Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh liên kết với Tây Nam Bộ
Giao thông - Ngày đăng : 06:54, 24/12/2021
Liên kết chưa bền vững
Đồng bằng sông Cửu Long rộng gần 4,1 triệu hécta, chiếm 13% diện tích cả nước và là nơi sinh sống của hơn 17,3 triệu dân, tương đương gần 20% dân số cả nước. Vùng đất này đóng góp 90% lượng gạo, 60-70% lượng thủy, hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh sát bên cạnh, với hơn 13 triệu dân, là trung tâm tài chính, kinh tế, văn hóa… lớn của cả nước. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố năm 2020 ước chiếm 22,8% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước; thu ngân sách chiếm tỷ trọng lớn nhất nước (27%).
Phó Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận (thành phố Hồ Chí Minh) Phan Chánh Dưỡng cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh cần tính đến mối quan hệ hữu cơ với các vùng xung quanh, còn miền Tây Nam Bộ phát triển mà không có thành phố Hồ Chí Minh thì sẽ mất đi động lực.
Tuy nhiên trên thực tế, sự liên kết phát triển tương hỗ này chưa bền vững. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - DRAGON), dẫn chứng: “Tây Nam Bộ cung ứng hơn 1,3 triệu lao động cho Đông Nam Bộ, nhưng chính Tây Nam Bộ lại thiếu lao động. Trong dịch bệnh, khi Tây Nam Bộ dư thừa nông sản thì thành phố Hồ Chí Minh lại thiếu trầm trọng. Liên kết lỏng lẻo dẫn tới mất cân đối”.
Còn Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Phương Lam thông tin thêm: “Miền Tây Nam Bộ trù phú, nhưng thu nhập bình quân đầu người hằng năm thấp hơn trung bình cả nước. Năm 1990, GDP của vùng bằng 2/3 GDP thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đến năm 2020, chỉ còn 1/3. Như vậy, Tây Nam Bộ đang phát triển chậm dần đều so với thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là miền Tây Nam Bộ chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ khai thác nguyên liệu, nhân lực từ Tây Nam Bộ chứ chưa đầu tư, hỗ trợ ngược trở lại. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ cần chung tay gắn kết hơn nữa để hỗ trợ thành phố, còn thành phố Hồ Chí Minh cần là trụ cột để nâng đỡ miền Tây Nam Bộ.
Cần giải pháp căn cơ
Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh Vũ Thành Tự Anh, phân tích: “13 tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ có chung đặc điểm kinh tế - xã hội và thách thức của biến đổi khí hậu. Nhưng vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 4 địa phương (Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang và Cà Mau). Hai tỉnh khác của miền Tây Nam Bộ là Long An và Tiền Giang lại thuộc về vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, vậy là vẫn tách biệt. Các địa phương thuộc Tây Nam Bộ chưa thể cùng nhau đề xuất Trung ương đầu tư trục cao tốc xương sống thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau thì chưa thể có liên kết bền vững. Do đó, cần cùng nhau giải quyết những thách thức chung toàn vùng, từ đó cùng phát triển”.
Còn ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, nhận định: “Miền Tây Nam Bộ chằng chịt sông nước, nhưng vận tải thủy có chi phí cao hơn vận tải đường bộ. Vận tải đường bộ về thành phố Hồ Chí Minh tuy gần hơn, nhưng mất nhiều thời gian hơn so với hàng từ Đà Nẵng vào thành phố Cần Thơ. Đề nghị Trung ương đầu tư mạnh hơn nữa cho hạ tầng giao thông giúp toàn vùng phát triển”.
Để phát huy thế mạnh nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh đang có nhiều chương trình hợp tác với 13 tỉnh, thành phố trong khu vực, nay cần chuyển từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”, nhìn nhận cả miền Tây Nam Bộ là một thực thể chung. “Các mô hình cụm liên kết ngành trong nông nghiệp từ thu mua, chế biến, xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa, thậm chí là du lịch nông thôn… cần được quan tâm phát triển. Chúng ta không thiếu tài nguyên mà thiếu tầm nhìn để kinh tế nông thôn liên vùng phát triển. Đây là việc mà thành phố Hồ Chí Minh có thể trợ giúp Tây Nam Bộ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, trong quá trình phát triển của mình, thành phố luôn đánh giá cao vai trò, sự liên kết với miền Tây Nam Bộ và coi đây là nhu cầu cấp thiết. Thành phố Hồ Chí Minh cần miền Tây Nam Bộ và ngược lại, chung tay tháo gỡ khó khăn, tăng cường hợp tác để cùng phát triển.