Châu Âu đối mặt với khủng hoảng năng lượng: Đe dọa sự phục hồi kinh tế
Thế giới - Ngày đăng : 07:19, 25/12/2021
Giá khí đốt ở châu Âu trên sàn TTF của Hà Lan đã tăng lên mức cao kỷ lục, ở mức 181 euro/MWh trong các giao dịch ngày 21-12, tăng hơn 20% so với 1 ngày trước đó. Trong khi đó, giá khí đốt tại Anh nhảy vọt lên 408,3 xu Anh/therm (đơn vị nhiệt đo lượng khí đốt cung cấp). Giá khí đốt tại cả hai thị trường trên đều xô đổ các kỷ lục được thiết lập từ tháng 10-2021, làm dấy lên quan ngại khi nhu cầu còn tăng cao trong những tháng mùa đông ở Bắc bán cầu.
Giá năng lượng ở châu Âu tăng cao kỷ lục là do nguồn khí đốt từ Nga cạn kiệt và Pháp bất ngờ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu giữa bối cảnh việc thông qua dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 có nguy cơ bị trì hoãn tới tháng 7 năm sau. Cụ thể, Nga đã dừng hoàn toàn việc cung ứng khí đốt tới Đức qua tuyến đường ống Yamal - châu Âu. Khối lượng khí đốt được vận chuyển trên tuyến đường ống này phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ, trong đó có nhu cầu của Nga, vốn được Gazprom ưu tiên hơn so với chuyển cho nước ngoài. Hiện, nền nhiệt độ tại các thành phố lớn của Nga đã xuống mức âm sâu trong tuần này.
Trong khi đó, Pháp thường được coi là nước xuất khẩu năng lượng của châu Âu nhưng đã thiếu hụt năng lượng kể từ khi Công ty điện lực Electricité de France SA ngừng hoạt động 4 lò phản ứng hạt nhân. Theo tờ ZeroHedge, 30% công suất điện hạt nhân của nước này cũng sẽ ngừng hoạt động trong những tuần tới. Như “đổ thêm dầu vào lửa”, sản lượng điện từ các nhà máy điện gió của Đức đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tuần qua do thời tiết, khiến giá điện tăng 30%, lên mức kỷ lục 487 USD/MWh.
Có vẻ như cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ ngày càng nghiêm trọng, khi các chuyên gia cảnh báo điều tồi tệ nhất sẽ đến vào cuối tháng 1, đầu tháng 2-2022, khi nền nhiệt độ xuống thấp nhất.
Theo nhận định của Bloomberg, căng thẳng tài chính đang gia tăng trong các ngành công nghiệp của châu Âu, bao gồm cả lĩnh vực kim loại và phân bón, do chi phí năng lượng phá vỡ các kỷ lục. Các chuyên gia kinh tế lo ngại việc tăng giá nhiên liệu sẽ thúc đẩy nguy cơ lạm phát và cản trở tăng trưởng kinh tế, trong khi lạm phát trong khu vực đã ở mức cao. Nhà máy luyện nhôm hàng đầu của châu Âu là Aluminium Dunkerque Industries của Pháp đã cắt giảm sản lượng trong hai tuần qua, trong khi nhà sản xuất đa kim loại toàn cầu Nyrstar cũng sẽ ngừng sản xuất kẽm tại Pháp vào đầu tháng 1-2022. Ngoài ra, nhà sản xuất phân bón Azomures của Romania cũng đã tạm ngừng hoạt động... Ông Mark Hansen, Giám đốc điều hành của Công ty kinh doanh kim loại Concord Resources Ltd. có trụ sở tại London (Anh) cho biết, việc cắt giảm sản lượng buộc khu vực phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ các quốc gia thường sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng. Điều này có thể tạo ra áp lực về tài chính với người tiêu dùng và các hãng hàng không.
Do mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng năng lượng năm nay, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 800%, chi phí điện tăng gần 500%. Trong khi những tháng lạnh nhất của mùa đông sắp đến, tình hình không có gì thuyên giảm do Nga hạn chế cung cấp khí đốt. Cùng với đó, sự lan rộng của biến chủng Omicron trên khắp châu Âu có nguy cơ để lại những dấu ấn lâu dài đối với nền kinh tế của Lục địa già.