Trăn trở văn hóa học tập trong môi trường trực tuyến

Chuyện đó đây - Ngày đăng : 14:10, 25/12/2021

(HNMCT) - Do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, học tập trực tuyến không còn là khái niệm xa lạ mà đang dần trở nên phổ biến từ cấp phổ thông cho đến đại học. Tuy nhiên, văn hóa học tập trong môi trường mới này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến các nhà làm giáo dục phải trăn trở.

Văn hóa ứng xử trên môi trường học trực tuyến đang là nỗi trăn trở của nhiều nhà giáo dục.

Đề cập tới chủ đề này, một bài báo đăng trên thời báo Ấn Độ Ngày nay số ra gần đây nhấn mạnh, trong khi nhiều phần mềm hỗ trợ học tập trực tuyến nổi lên như những “vị cứu tinh” sau khi nhiều trường học phải đóng cửa vì tốc độ lây lan của dịch Covid-19, hầu hết các giáo viên cũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng vấp phải trong mô hình giáo dục mới này.

Khó khăn đầu tiên mà bài báo đề cập đến đó là làm thế nào để hóa giải sự đơn điệu. Bởi không giống với học tập trực tiếp, các em học sinh sẽ được tham gia những hoạt động đa dạng ở nhiều không gian, từ lớp học tới phòng thí nghiệm hay thư viện và sân chơi, học online lại chỉ có thể ngồi một chỗ tiếp xúc kéo dài với màn hình trong nhiều giờ. Đây là nguyên nhân gây ra sự nhàm chán cho cả thầy cô giáo và học trò. Và thực tế, nhiều học sinh đã rời màn hình học tập để làm việc riêng, thậm chí là ngủ gật khiến cho chất lượng tiết học bị ảnh hưởng không nhỏ. Để có thể khắc phục được tình trạng này, các giáo viên phải nỗ lực cải tiến giáo án, làm cho tiết học trở nên sôi nổi và hấp dẫn để thu hút sự chú ý của học sinh. Bên cạnh đó, các bài tập hoặc hoạt động theo hình thức phân nhóm cũng giúp thay đổi không khí và khiến học sinh hào hứng hơn với môn học. Ngoài ra, nhà trường cũng phải đặt ra quy định để giáo viên và học sinh bật webcam liên tục trong cả buổi học nhằm giám sát mức độ chuyên cần, đồng thời giúp thầy trò tương tác một cách dễ dàng hơn.

Vấn đề thứ hai là mức độ trung thực của học sinh khi làm các bài kiểm tra trên môi trường trực tuyến. Trong điều kiện bình thường, đã có khá nhiều sinh viên tận dụng con đường dễ dàng để thành công. Việc không phải chịu sự giám sát trực tiếp của giáo viên càng tạo cơ hội cho họ có thể gian lận để đạt thành tích cao. Đây là điều khiến các nhà giáo dục thực sự lo ngại vì khó có thể đánh giá chất lượng thực của sinh viên ra trường. Một số phụ huynh cho rằng, các cơ sở giáo dục nên xem xét việc giảm thiểu khả năng học sinh vi phạm quy chế học hành, thi cử bằng cách phát triển cơ chế bảo mật trên nền tảng riêng của trường, trong đó giáo viên được thông báo ngay lập tức khi học sinh rời khỏi màn hình kiểm tra để truy cập trình duyệt khác trong quá trình làm bài thi...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, yếu tố quan trọng giúp cải thiện tính chuyên cần của học sinh trên lớp học cũng như sự trung thực khi làm bài kiểm tra là nâng cao nhận thức của các em về tinh thần kỷ luật, tính tự giác và những nguyên tắc văn hóa học đường trong môi trường trực tuyến. Chẳng hạn như không bật thiết bị ghi hình nếu không mặc trang phục phù hợp, để chế độ im lặng trên thiết bị hội thoại nếu chưa cần thảo luận, phản hồi khi được yêu cầu trả lời. Người học cần chủ động tham gia thảo luận trong phòng thoại khi được nêu tên; thông báo với những người đang cùng tham gia khi bản thân phải dừng buổi học sớm.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đối với thầy cô giáo, trước khi tiến hành giảng dạy, cần kiểm tra các thiết bị và tài liệu sử dụng cho buổi học xem có tương thích với phần mềm giảng dạy trực tuyến hay không. Để không bị gián đoạn trong việc truyền tải kiến thức, các giáo viên nên giảng bài trong phòng học chuyên dụng, có không gian yên tĩnh và đầy đủ trang thiết bị. Ngoài ra, việc bố trí máy ghi hình và ghi âm di động cũng rất cần thiết để người dạy có thể thoải mái di chuyển đến bảng viết, nhằm giải thích những vấn đề phức tạp, giúp người học có thể cảm nhận được cử động của người dạy thay vì chỉ thấy được khuôn mặt cận cảnh.

Trên thực tế, dịch Covid-19 bùng phát là điều không ai ngờ tới. Nó khiến học sinh, sinh viên và giáo viên trên toàn cầu chưa kịp trang bị cho mình kiến thức, văn hóa ứng xử trực tuyến và cả những kỹ năng cần thiết để tận dụng tối đa công nghệ trong hoạt động học tập và giảng dạy. Chính vì thế, “quy tắc ứng xử học trực tuyến” đã trở thành cụm từ khóa được tìm kiếm phổ biến trên thế giới khi mà tất cả phải làm công dân học tập số/ người học số. Tuy nhiên, bối cảnh mới đã đưa dạy và học online  trở thành một “cuộc cách mạng” về phương thức giáo dục, chính thức thay đổi hoàn toàn thói quen học tập trực tiếp như trước đây. Không ít người tin rằng, phương thức giáo dục này sẽ định hình một diện mạo mới cho tương lai.

Quỳnh Dương