Khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết

Kinh tế - Ngày đăng : 07:14, 26/01/2023

Nhân dịp đầu xuân mới Quý Mão, trao đổi với báo chí về những kết quả đã đạt được trong năm 2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, năm 2022, nước ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức phải đối diện. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, quyết liệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội đã phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất trong nhiều năm qua…

Trong thành tích chung này, ngành Công Thương đã đóng góp tích cực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao. Nổi bật là: Sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%, đóng góp 2,1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GDP và hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kỷ lục mới 732,5 tỷ USD - trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng gần 10% so với năm 2021, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Cán cân thương mại năm 2022 tiếp tục ghi nhận Việt Nam xuất siêu năm thứ bảy liên tiếp với thặng dư 11,2 tỷ USD, gấp 3,3 lần so với năm 2021.

Cùng với xuất khẩu, thị trường trong nước cũng hồi phục mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng gần 20%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8%). Thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh, đưa Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Sang năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, nền kinh tế nước ta nói chung và ngành Công Thương nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Ngành Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8-9%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022. Để khắc phục những khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch được giao, ngành Công Thương sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại. Chú trọng nâng cao chất lượng và tính chủ động trong tham mưu thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý. Tập trung tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới; đồng thời, tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước, góp phần hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng...

Theo Chinhphu.vn