Quản lý vùng nông nghiệp an toàn: Hướng tới mục tiêu kép
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:09, 27/12/2021
Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như các điều kiện an toàn thực phẩm cho nông sản xuất khẩu, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa gắn với cấp và quản lý mã số.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, tính đến thời điểm này, đơn vị đã cấp hơn 3.500 mã số vùng trồng cho cây ăn quả, rau, hạt giống xuất khẩu, trong đó có 193 mã số rau gia vị sản xuất trong nhà lưới xuất khẩu sang châu Âu... Việc cấp mã số cho vùng trồng trọt an toàn góp phần bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản xuất khẩu.
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa cho biết: Với việc cấp mã số để quản lý chất lượng, hiện vùng nhãn chín muộn của các huyện Quốc Oai, Hoài Đức đã đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Ba Lan, Malaysia, Australia…; đồng thời được Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam; Công ty Thực phẩm sạch Biggreen... ký kết hợp đồng thu mua với sản lượng hơn 100 tấn/năm.
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, ngành chăn nuôi cũng đã tập trung xây dựng nhiều vùng an toàn dịch bệnh. Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết: Đến nay cả nước có 2.285 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh gồm 30 vùng cấp huyện, 131 cơ sở cấp xã và 2.122 cơ sở, trang trại, hợp tác xã chăn nuôi tại 54 tỉnh, thành phố. Nhờ đó, sản phẩm thịt gà của Việt Nam đã tiếp cận được các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... Từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu 1.400 tấn trứng gia cầm các loại trị giá hơn 2 triệu USD.
Chia sẻ về lợi ích của việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho biết: Việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tạo thuận lợi cho các công ty cung cấp thực phẩm sạch ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng. Cùng với đó, uy tín của các hợp tác xã sản xuất an toàn được nâng cao, mang lại thu nhập tăng từ 15% đến 20% so với sản xuất truyền thống.
Giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất
Việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với cấp mã số có vai trò rất lớn trong định hướng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Công tác kiểm tra, giám sát các vùng sản xuất, cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm chưa được chú trọng, trong khi nhiều hộ nông dân chưa quen với việc ghi chép nhật ký chăm sóc... gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc. Đáng lo ngại hơn, một số doanh nghiệp sử dụng sản phẩm không đúng mã số vùng sản xuất an toàn để xuất khẩu. Vụ xoài của tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị đối tác dừng nhập khẩu do không bảo đảm chất lượng là một ví dụ.
Tránh tình trạng sản phẩm bị các đối tác tạm dừng nhập khẩu, vùng trồng bị đưa vào danh sách theo dõi nghiêm ngặt, ở góc độ của người sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành (huyện Quốc Oai) Trần Hữu Khoa cho biết: Để tạo dựng uy tín cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, trước hết người nông dân cần bảo đảm các tiêu chuẩn quy định như cam kết không sử dụng các loại hoạt chất cấm để phòng trừ sâu bệnh.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam Phùng Thị Thu Hương, các cơ quan quản lý cần tạo cơ chế khuyến khích phát triển chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với hợp tác xã sản xuất các mặt hàng nông nghiệp an toàn; đồng thời giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất của nông dân từ nuôi trồng, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản đặc trưng của Hà Nội như: Nhãn chín muộn, gạo hữu cơ, chuối... thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất an toàn, thường xuyên kiểm tra mẫu đất, mẫu nước. Cùng với đó hướng dẫn nông dân từ việc ghi chép nhật ký chăm sóc đến sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời xử lý nghiêm những hành vi sử dụng phân bón, hóa chất không đúng quy định ảnh hưởng tới thương hiệu nông sản Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, dựa trên lợi thế của từng địa phương, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng vùng trồng trọt, chăn nuôi an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu. Trong đó, chú trọng kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp khi đưa vào sản xuất để hạn chế việc lạm dụng hóa chất, thuốc kháng sinh... Đồng thời, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, thiết lập và quản lý mã số đối với vùng sản xuất an toàn để các doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu...