Chủ tịch nước: Thành công của Đà Nẵng nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng về con người
Chính trị - Ngày đăng : 14:56, 28/12/2021
Đây được coi là một hội nghị “Diên Hồng” của thành phố cảng Đà Nẵng để cùng tổng kết, nhìn lại thành tựu đã đạt được; đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của cả nước và tiếp thu kinh nghiệm của các thế hệ lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ.
25 năm trôi qua, kể từ ngày trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (ngày 1-1-1997), Đà Nẵng từ một thành phố loại 3 thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, một thành phố “trên cấp huyện, dưới cấp tỉnh”, đã vươn lên thành đô thị loại 1 cấp quốc gia với tất cả thế mạnh được khai thác và phát huy ngày càng hiệu quả, đáp ứng nhiều chỉ tiêu phát triển bền vững trong lợi thế so sánh quốc gia, trong đó một số chỉ tiêu đã vươn tầm khu vực và quốc tế.
Trong tham luận tại tọa đàm, nhà nghiên cứu, PGS.TS Trần Đình Thiên đúc rút những bài học quý trong quá trình phát triển của Đà Nẵng: Kết hợp lợi thế tự nhiên và xu thế thời đại; liên kết, tạo động lực phát triển; phát huy thế mạnh lịch sử văn hóa, “nghệ thuật”, mượn sức để phát triển và khát vọng vươn lên không ngừng, luôn đặt mình trong cuộc đua tranh phát triển quốc tế. Ông Thiên cũng đề xuất Đà Nẵng định hướng chiến lược phát triển thành những trung tâm chức năng mới về khoa học công nghệ, dịch vụ tài chính tầm cỡ quốc tế để phù hợp với sứ mệnh vùng - quốc gia của Đà Nẵng trong giai đoạn phát triển mới.
Còn Tiến sĩ Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra những hạn chế trong công tác quy hoạch của thành phố và kiến nghị Đà Nẵng cần định hướng các mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 trên 3 trụ cột chính: Du lịch - thương mại; trung tâm chế xuất và trung chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; xây dựng nền kinh tế tri thức.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, sau 25 năm thăng trầm, với những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và tương đối toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn đã tăng gấp 27 lần, tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng gấp 18 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 7 lần. Từ năm 2004, Đà Nẵng đã là địa phương có đóng góp ngân sách về trung ương.
Hạ tầng kết nối, không gian đô thị mở rộng nhiều lần; diện mạo thành phố thay đổi hoàn toàn. Sự phát triển thành phố hai bên bờ sông Hàn cân đối, hài hòa với 9 chiếc cầu bắc qua dòng sông thơ mộng, nối liền hai bờ Đông - Tây, nhiều cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp, thân thiện. Thành phố được quy hoạch hướng ra sông, ra biển, xen kẽ đồi núi, vừa hiện đại, vừa quyến rũ, duyên dáng và năng động, một nơi đến hấp dẫn không chỉ với du khách Việt Nam mà cả châu Á và thế giới.
Thành phố đã đạt nhiều thành tựu về cải cách và các giải thưởng như: 7 năm xếp vị trí dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; 5 năm liền đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính; 12 năm liền đứng đầu về Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin; được trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2 năm liên tiếp với các chương trình an sinh và an dân độc đáo: “Thành phố năm không - ba có”; “Thành phố bốn an”, được các tạp chí du lịch uy tín bình chọn là thành phố đáng sống nhất thế giới. Người Đà nẵng vẫn gìn giữ, kế thừa được văn hóa xứ Quảng nhưng cũng đang dung nạp, tiếp thu một số giá trị văn hóa mới trong quá trình phát triển và hội nhập, toàn cầu hóa.
Chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Đà Nẵng đã đạt được trong 25 năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chính những thành quả của Đà Nẵng đã truyền cảm hứng cho nhiều địa phương miền Trung cùng vượt khó vươn lên.
Chủ tịch nước đề nghị và mong muốn Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm, động lực kinh tế quan trọng nhất của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như của toàn vùng Bắc và Nam Trung Bộ. Vươn xa hơn, Đà Nẵng có khả năng và cần định hướng trở thành thành phố quốc tế, nơi tài nguyên du lịch, sinh thái và văn hóa hòa quyện với nhau để tạo nên sự hấp dẫn và bản sắc riêng.
Chủ tịch nước cũng cho rằng, Đà Nẵng cần phát triển thành trung tâm giao thương quốc tế, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, du khách; là nơi hội tụ của những người tài cùng các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Cùng với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng phải là một động lực, đầu tàu kéo không chỉ tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước, mà còn là một biểu tượng và niềm tự hào về sự vươn mình vượt qua khó khăn, trở ngại, trỗi dậy thành công của Việt Nam.
Với mục tiêu này, cần xây dựng chính quyền liêm chính, đoàn kết, hiệu quả và thân thiện. Sớm hoàn thiện các quy hoạch, thúc đẩy sự liên kết phát triển, tương tác sâu sắc với các địa phương lân cận về chiến lược, quy hoạch trong xây dựng và phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch trong hành lang kinh tế chung, cả 3 địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và rộng hơn là Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đà Nẵng tập trung cao cho phát triển nguồn vốn con người. Phát huy bản sắc văn hóa, phẩm chất vốn có của người dân xứ Quảng, những con người “trung dũng, kiên cường” trong chiến đấu giành độc lập, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong dựng xây, kiến thiết đất nước, đặc biệt cần khích lệ tinh thần này trong đội ngũ lãnh đạo địa phương cũng như tinh thần doanh nhân vốn chảy trong máu của người dân xứ Quảng. Chìa khóa cho sự thành công của Đà Nẵng nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng về con người, đặt biệt là nguồn nhân lực thông thạo ngoại ngữ, giỏi công nghệ, có tay nghề cao, đón đầu nhu cầu nhân lực bậc cao của Cách mạng công nghiệp 4.0. Chính quyền thành phố phải dự báo nhu cầu và đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường và các nhà đầu tư. Coi giáo dục - đào tạo là vũ khí mạnh nhất để thay đổi Đà Nẵng.
Nêu một số yêu cầu phát triển khác với Đà Nẵng, Chủ tịch nước cho rằng, Đà Nẵng phải tính toán quy mô sân bay cho phù hợp với yêu cầu phát triển; quy hoạch phát triển đường sắt của Đà Nẵng. Đà Nẵng cũng cần mô hình tăng trưởng mới như trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm vui chơi giải trí quốc tế hiện đại, trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Đặc biệt, Đà Nẵng không nên tự so mình với các địa phương khác trong nước mà cần mạnh dạn so sánh với các thành phố trong khu vực để có chiến lược cạnh tranh xứng tầm. Thành phố cần phải tạo ra sự khác biệt, phải trở thành một thành phố độc nhất - vô nhị không chỉ ở Việt Nam, trong khu vực mà còn trên thế giới. Theo đó, thành phố cần xác lập một chương trình để trở thành thành phố đáng sống, đáng đầu tư, đáng cống hiến và đáng trải nghiệm.
Nhắc lại Đà Nẵng cần chú trọng gia cường các nền tảng xã hội thông qua việc thực hiện tốt các chính sách người có công, chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng các nội dung chương trình thành phố “năm không”, “ba có”, “bốn an” gắn với xây dựng văn minh đô thị, Chủ tịch nước đề nghị thành phố tăng cường đối thoại và giải quyết thấu đáo những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị không có người nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo.
* Trước đó, chiều 27-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Công ty CP Dệt may 29-3, một đơn vị thành công trong linh hoạt thích ứng với tình hình mới, duy trì và phát triển sản xuất, vượt qua khó khăn trong bối cảnh Covid-19. Tổng doanh thu của doanh nghiệp năm 2021 đạt 830 tỷ đồng, bằng 110% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 72 triệu USD, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2020; thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước đánh giá cao việc công ty linh hoạt chuyển từ trạng thái sản xuất bình thường sang trạng thái sản xuất có Covid-19 bằng các biện pháp cụ thể. Khi thị trường cạnh tranh quyết liệt, công ty tìm kiếm thị trường mới và chuyển hướng sang xuất khẩu; đồng thời quan tâm cải thiện môi trường, từng bước áp dụng công nghệ xanh, xây dựng phân xưởng xanh, nhà máy xanh. Chủ tịch nước cũng ghi nhận Đảng ủy, tập thể lãnh đạo công ty quan tâm công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên; được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh của quận Thanh Khê.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo sớm tiêm vắc xin cho công nhân lao động; đồng thời mong muốn Công ty CP Dệt may 29-3 tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hình thức chăm lo người lao động để công nhân yên tâm gắn bó với công ty; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giỏi để tiếp tục lãnh đạo công ty phát triển mạnh mẽ, có quy mô, doanh số lớn hơn trong thời gian tới.