Bầu chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2021
Công nghệ - Ngày đăng : 10:25, 29/12/2021
Ở lĩnh vực cơ chế chính sách, sự kiện được bầu chọn là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam xác định “khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong các đột phá chiến lược. Đây là lần đầu tiên, Văn kiện Đại hội Đảng xác định “khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong các đột phá chiến lược để xây dựng và phát triển đất nước.
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, sự kiện được bầu chọn là Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6 với chủ đề “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức. Hội thảo thu hút sự tham dự của 600 nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, trao đổi về 10 lĩnh vực trọng tâm.
Lĩnh vực khoa học tự nhiên, sự kiện được bầu chọn là Công trình “Phát triển và ứng dụng hệ cảm biến sinh học để xác định nhanh BOD (nồng độ chất ô nhiễm hữu cơ) và độ độc trong nước” do nhóm nghiên cứu của TS Phạm Thị Thùy Phương (Viện Công nghệ hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện giành giải đặc biệt của Giải thưởng Đổi mới sáng tạo châu Á năm 2021.
Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng: Có 4 sự kiện được tôn vinh:
- Mô hình thành phố thông minh của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) được Ban tổ chức Giải thưởng Truyền thông thế giới (World Communication Awards) 2021 công nhận hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới.
- Công trình kè chống sạt lở bờ biển khu du lịch khu vực Làng Chài, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) giúp trị được sóng, gió, dòng chảy, bảo vệ bờ một cách ổn định, bảo đảm khả năng chống ăn mòn trong môi trường biển, đáp ứng được yêu cầu phòng, chống thiên tai trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng.
- Áo hạ nhiệt, chống nóng cho nhân viên y tế phòng, chống dịch Covid-19 do nhóm kỹ sư Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nghiên cứu và đưa vào sản xuất thử nghiệm.
- “Mũ cách ly di động” của nhóm sáng chế Vihelm gồm Đỗ Trọng Minh Đức, Trần Nguyễn Khánh An và Nguyễn Hoàng Phúc được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao tặng danh hiệu Đại sứ giới trẻ Sở hữu trí tuệ.
Ở lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học, tôn vinh Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Năm 2021, ông vinh dự nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Cộng hòa Pháp và Huy chương của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Belarus vì những thành tích xuất sắc trong khoa học và đóng góp không ngừng trong thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ với các nước này.
Lĩnh vực hợp tác quốc tế, có 2 sự kiện được bầu chọn. Sự kiện thứ nhất là vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thành công của việc xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận vào thị trường khó tính Nhật Bản cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu. Sự kiện thứ hai là ấn tượng chương trình “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - TECHFEST Việt Nam 2021” gồm chuỗi hơn 120 hoạt động được triển khai trong 3 tháng, với sự tham gia của 16 làng công nghệ và hơn 100 đối tác tại Việt Nam và thế giới.