Tập trung phòng, chống dịch Covid-19 cho các đối tượng và khu vực có nguy cơ cao
Đời sống - Ngày đăng : 20:30, 29/12/2021
Đang điều trị cho hơn 20.200 người
Tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), trên địa bàn thành phố ghi nhận 42.888 ca mắc, trong đó có 15.070 ca ngoài cộng đồng. Hiện, thành phố có 76 điểm phong tỏa với 3.100 người. Ngày 28-12, Bộ Y tế thông tin về trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron là công dân từ Anh về Việt Nam qua sân bay Nội Bài. Đến nay, thành phố đã lấy 28 mẫu xét nghiệm các trường hợp dương tính và có yếu tố dịch tễ nghi ngờ chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để giải trình tự gen xác định chủng vi rút (sàng lọc nghi ngờ chủng Omicron).
Tính đến hết ngày 28-12, thành phố tiêm được 11.767.691 mũi vắc xin (không tính của trung ương). Trong đó, người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 là 5.376.825/5.445.731 người (đạt 98,3%); mũi 2 là 5.191.493/5.445.731 người (đạt 95,3%); số lượng mũi bổ sung đã tiêm là 117.065. Đến nay, thành phố có tổng số 54.045 trường hợp F1 phải cách ly, trong đó đang cách ly tại nhà 22.802 trường hợp; hiện đang điều trị 20.211 người.
Đại diện Sở Y tế cho biết, trong tuần qua, trung bình mỗi ngày ghi nhận 1.747 ca mắc. Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh, có thể vượt ngưỡng 2.000 ca mắc/ngày trong tuần tiếp theo. Công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong trong giới hạn kiểm soát.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Vũ Cao Cương đề nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ việc thu dung điều trị F0 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng tại các khu thu dung điều trị theo mô hình trạm y tế lưu động và tổ chức cách ly điều trị tại nhà; tổ chức hoạt động có hiệu quả Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà, phối hợp chặt chẽ với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để giảm tải cho tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 dịp trước, trong, sau Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tại phiên họp, đại diện Sở Tài chính đã báo cáo công tác chi trả chế độ cho các lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố; Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo công tác thu gom rác thải lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung, khu thu dung điều trị bệnh nhân F0, người nhiễm Covid-19 tại nhà; đại diện Công an thành phố báo cáo về tình hình an ninh trật tự dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đại diện UBND các quận, huyện cũng đã báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid-19 cũng như đưa ra các kiến nghị, đề xuất liên quan đến công tác phòng, chống dịch và thu dung, điều trị các bệnh nhân F0…
Tập trung chống dịch tại các khu vực nguy cơ cao
Kết luận phiên họp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong tuần qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp khi Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm F0; số bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị và bệnh nhân tử vong cũng tăng. Dự báo trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt là có khoảng 140 nghìn người Việt Nam ở nước ngoài đăng ký về nước ăn Tết; lượng người dân từ các tỉnh, thành trở về Hà Nội ăn Tết tăng cao nên tình hình dịch còn diễn biến khó lường.
Thay mặt Thường trực Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phong đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều trị F0. Các địa phương cũng đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin mũi 3 và hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, các địa phương đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội cũng như sự chung tay của nhân dân trong phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng lưu ý các địa phương cần đặc biệt quan tâm hơn đến việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ cao nhưng đến nay chưa được tiêm vì nhiều lý do khác nhau. Bên cạnh đó, nhận thức về tình hình dịch bệnh cũng như việc thay đổi cách thức phòng, chống dịch của một số địa phương còn chậm, bởi thành phố đã chuyển sang tập trung quản trị, quan tâm đến các đối tượng rủi ro, nguy cơ cao, các khu vực, địa bàn có nhiều rủi ro.
Nhấn mạnh tình hình dịch Covid-19 thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu Sở Y tế xây dựng kịch bản mới, tính toán lại số ca nhiễm dựa trên tỷ lệ chuyển tầng điều trị, tỷ lệ tử vong và không được để xảy ra quá tải tại khu vực điều trị ở tầng 2, tầng 3. Cùng với đó, các địa phương phải chủ động xây dựng kịch bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch theo diễn biến thực tế tại địa phương.
“Việc quá tải, gia tăng tỷ lệ tử vong hay không phụ thuộc nhiều vào việc rà soát người trên 50 tuổi có bệnh nền nhưng chưa được tiêm vắc xin. Vì thế, đề nghị các đơn vị tăng cường vận động, giao chỉ tiêu đến từng xã và xây dựng phương án tiêm vắc xin tại nhà. Nếu chúng ta tiêm được một người trong đối tượng này sẽ góp phần giảm áp lực cho khu vực điều trị tại tầng 3, giảm số người tử vong”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã không mở rộng thêm khu thu dung mới điều trị F0 thể nhẹ mà chuyển hướng xuống xã, phường và điều trị tại nhà. Đồng thời, yêu cầu các địa phương rà soát lại địa bàn có nguy cơ cao như: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, công trình xây dựng lớn, chợ, trường học… để quan tâm trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở xử phạt trong việc chấp hành quy định “5K” tại địa bàn này. Ngoài ra, các địa phương có đông lao động ngoại tỉnh, có công trường xây dựng lớn, có di biến động dân cư, người lao động chưa được tiêm thì phải rà soát lại để tiêm vắc xin.
Phó Bí thư Thành ủy nhắc lại chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy mới đây về việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố không tổ chức liên hoan, gặp mặt cuối năm, trong đó các cán bộ, đảng viên, công chức phải gương mẫu thực hiện.
“Thành phố vẫn kiểm soát được tình hình, nhưng nếu không kiềm chế được sự gia tăng; người dân và cơ quan quản lý lơ là thì chắc chắn dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng, tỷ lệ tử vong cũng tăng”, Phó Bí thư Thành ủy nói rõ và yêu cầu công tác tuyên truyền phải thực chất, hiệu quả hơn để mỗi người dân có ý thức bảo vệ mình và xã hội. Đồng thời, lưu ý thời gian tới cần có hoạt động động viên khích lệ tuyến đầu ở các bệnh viện, khu thu dung bệnh nhân Covid-19; bảo đảm các gia đình có F0 dù ở bệnh viện hay ở nhà đều đón Tết bình an.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.