Khó tiêu thụ cây ăn quả có múi chính vụ

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:22, 29/12/2021

(HNM) - Diện tích cây ăn quả toàn miền Bắc hiện đã lên tới hơn 420.000ha, trong đó có khoảng 50% là cây ăn quả có múi như cam, bưởi... Thời điểm này, các vùng cây ăn quả có múi như: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Giang... đang vào vụ thu hoạch chính, giá thành hạ nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vẫn hết sức khó khăn.

Do cung vượt cầu, nhiều vườn bưởi Diễn ở Hà Nội hiện nay gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Áp lực lớn đối với thị trường

Hiện sản lượng cây ăn quả có múi ở các tỉnh phía Bắc lớn và chủ yếu tiêu thụ dưới dạng quả tươi nên tạo rất nhiều áp lực cho thị trường. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), các tỉnh phía Bắc có hơn 200 nghìn héc ta cây ăn quả có múi, trong đó cam chiếm hơn 45%, bưởi chiếm gần 40%... Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến cho biết, năm 2021, diện tích cây ăn quả có múi cho thu hoạch của tỉnh lên tới gần 10.000ha, sản lượng khoảng 155 nghìn tấn; chủ yếu bán tươi, trong đó tiêu thụ qua hợp đồng với các doanh nghiệp, siêu thị khoảng 18% sản lượng, qua các điểm giới thiệu sản phẩm khoảng 2-3%; còn lại tiêu thụ qua hệ thống thương lái (60%) và các kênh bán lẻ trực tiếp từ các nhà vườn... Diện tích trồng cam, bưởi của tỉnh Bắc Giang hiện nay khoảng 10.700ha, trong đó cây cam là hơn 5.100ha, sản lượng khoảng 48.000 tấn; bưởi là 5.562ha, sản lượng khoảng 36.800 tấn.

Còn tại Hà Nội, niên vụ 2021-2022 có gần 10.000ha bưởi, cam cho thu hoạch với sản lượng khoảng 100 nghìn tấn. Anh Nguyễn Văn Thuyên, một hộ trồng bưởi tại huyện Quốc Oai cho biết, vườn bưởi Diễn gần 20 tuổi của gia đình năm nay cho thu hoạch hơn 3.000 quả, dù bưởi ngon cũng chỉ bán được với giá 12.000-17.000 đồng/quả, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và phải bán lẻ từ 10 đến 100 quả, nhưng đến nay mới tiêu thụ được 50% sản lượng.

Bà Nguyễn Thị Tám, một chủ sạp bán trái cây tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông) cũng chia sẻ: "Mỗi ngày, sạp hàng của tôi tiêu thụ được 5 tạ cam và vài chục quả bưởi, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán tại chợ cũng chỉ 12.000 đồng đến 17.000 đồng/kg cam loại 1, bưởi là 15.000-25.000 đồng/quả tùy loại, nhưng sức tiêu thụ không lớn. Nguyên nhân chính là do lượng quả có múi có số lượng lớn, lại qua nhiều kênh phân phối nên việc mua hàng trực tiếp từ chợ truyền thống cũng giảm nhiều".

Cơ cấu lại nhóm cây ăn quả có múi

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội) Hoàng Thị Hòa, bộ giống cây ăn quả có múi tại Hà Nội nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung khá phong phú, đáp ứng nhu cầu rải vụ thu hoạch từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Thế nhưng, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào bảo quản, sơ chế, chế biến vẫn chủ yếu mang tính thử nghiệm; việc tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết gắn với tiêu thụ còn thấp. Người nông dân, hợp tác xã tiêu thụ theo hình thức nhỏ lẻ; thiếu những đầu mối thu mua tập trung có đủ năng lực sơ chế, đóng gói và phân phối sản phẩm. Do đó, đi đôi với nâng cao chất lượng cây trồng, các địa phương cần đẩy mạnh khâu bảo quản, chế biến sản phẩm.

Ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) nhận định, trong khi cây ăn quả có múi ở các tỉnh phía Nam như bưởi da xanh, bưởi năm roi, chanh không hạt đang có nhiều thị trường thì loại trái cây này ở các tỉnh phía Bắc lại không có lợi thế về xuất khẩu và chế biến. Chẳng hạn, cây bưởi ở phía Bắc chủ yếu là bưởi ngọt, chỉ phù hợp với thị trường nội địa. Vì vậy, muốn mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu, rất cần các giống có chất lượng phù hợp. Còn với cây cam, do các giống hiện nay vẫn có nhiều hạt nên khó chế biến, do vậy cần tiếp tục chuyển dịch mạnh hơn nữa về cơ cấu giống theo hướng trồng các giống cam ít hạt hơn. Mặt khác, về thời vụ, phần lớn diện tích cam, bưởi ở phía Bắc hiện nay tập trung vào nhóm chín chính vụ nên cần điều chỉnh cơ cấu giống để tăng tỷ lệ nhóm chín sớm và nhóm chín muộn.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đối với cây ăn quả có múi tại các tỉnh phía Bắc, chủ trương là không tiếp tục tăng diện tích và trong nội bộ nhóm cây có thể dịch chuyển cơ cấu. Trong khi bưởi và cam hiện nay ở phía Bắc có thể xem là bão hòa với nhu cầu nội địa thì cây chanh gần như chưa được các địa phương, nông dân, doanh nghiệp chú ý. Do đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi, thay thế các diện tích cây sâu bệnh, già cỗi... bằng loại cây khác một cách phù hợp.

"Bộ NN&PTNT sẽ cùng các địa phương tổ chức liên vùng sản xuất cây ăn quả mang tính hàng hóa lớn, gắn sản xuất theo chuỗi, hướng tới nâng cao giá trị gia tăng, từ việc cải thiện tổng thể về khoa học trong canh tác một cách bền vững đến cải thiện việc quản lý, cung ứng giống cây ăn quả bảo đảm chất lượng, sạch bệnh. Cùng với đó là nâng cao vai trò, năng lực, chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trong mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, gắn với thương mại chuyên nghiệp...", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm.

Bạch Thanh