Cần củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:24, 29/12/2021

(HNM) - Thực hiện Luật Thủy lợi và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã giao tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng. Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy, nhiều tổ chức thủy lợi cơ sở chưa đáp ứng quy định pháp luật, cần phải củng cố, thành lập mới để nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi.

Cán bộ xã Phú Châu (huyện Ba Vì) rà soát, xây dựng kế hoạch tu sửa, cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi nội đồng.

Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, thực hiện quy định mới về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, các quận, huyện, thị xã đã phối hợp doanh nghiệp thủy lợi thành phố rà soát, thống kê, xác định các điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ thủy lợi và phân loại công trình thủy lợi. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã bàn giao cho UBND cấp huyện quản lý 1.358 trạm bơm, 29.330 tuyến kênh với tổng chiều dài 12.088km, 88 hồ thủy lợi và 289 đập dâng...

“Sau khi tiếp nhận, UBND huyện Ứng Hòa đã giao cho tổ chức thủy lợi cơ sở khai thác, vận hành 212 trạm bơm, 4.428 cống và 2.153 tuyến kênh để phục vụ sản xuất. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, các tổ chức thủy lợi cơ sở trên địa bàn huyện cơ bản hoàn thành nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương...”, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Dương Hồng Điệp đánh giá.

Tương tự cách làm trên, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã giao 755 tổ chức thủy lợi cơ sở (gồm 455 hợp tác xã nông nghiệp quy mô thôn, 281 hợp tác xã nông nghiệp quy mô toàn xã, 10 tổ hợp tác làm nhiệm vụ thủy lợi và 9 UBND xã) quản lý, vận hành toàn bộ công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng từ ngày 1-1-2021 để phục vụ sản xuất, phòng chống hạn, úng ngập...

Tuy nhiên, kết quả rà soát, đánh giá của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng cho thấy, một số cán bộ tại 746 tổ chức thủy lợi cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhất là công tác quản lý thu - chi tài chính liên quan đến nguồn kinh phí hỗ trợ dịch vụ thủy lợi. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, người lao động chưa có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, vận hành công trình thủy lợi theo quy định pháp luật... Ngoài ra, các huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây còn 9 UBND cấp xã đang quản lý, vận hành công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng không đúng quy định pháp luật thủy lợi, cần thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở để thay thế...

“Để thực hiện đúng quy định của Luật Thủy lợi, huyện Thường Tín đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ mở các lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành công trình cho các tổ chức thủy lợi cơ sở...”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết.

Liên quan vấn đề trên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn thông tin, ngày 24-12, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 300/KH-UBND về thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, UBND thành phố giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong năm 2022 tập trung hướng dẫn thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở... UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng chuyên môn, xã, phường, thị trấn rà soát, triển khai thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT; đồng thời, xây dựng, đề xuất kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm năng lực của các tổ chức thủy lợi cơ sở trên địa bàn đúng quy định pháp luật...

Kim Nhuệ