Thành phố Hồ Chí Minh: Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai

Bất động sản - Ngày đăng : 07:18, 29/12/2021

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều nguồn lực nội tại, trong đó có tài nguyên đất đai. Đây là nguồn tài nguyên có giá trị cao, tạo lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư, phát triển đô thị. Hiện thành phố xác định đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng, cần sử dụng hiệu quả hơn để góp phần phát triển thành phố.

Thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) là nơi có nguồn tài nguyên đất đai giá trị cao, tạo lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư, phát triển đô thị.

Chưa tận dụng hiệu quả

Không khó để bắt gặp nhiều khu vực ở thành phố Hồ Chí Minh có quy hoạch “treo” hàng chục năm. Đơn cử, một số khu vực ở huyện Hóc Môn tồn tại tới 4 lớp quy hoạch (quy hoạch nông thôn, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch đất ở, quy hoạch khác), tháo lớp này thì vướng lớp kia... Nhiều bất cập nảy sinh như người có đất nhưng không xây được nhà, có giấy tờ nhà đất cũng không thể mua bán, sang nhượng...

Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên thừa nhận, nguồn lực đất đai tại Hóc Môn chưa được sử dụng đúng tiềm năng, lợi thế. Ông Trần Văn Khuyên dẫn chứng, trụ sở chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội đóng trên địa bàn chỉ được phép xây 1 hầm và 4 tầng. Cùng công trình này, nếu được phê duyệt xây cao tầng hơn thì giá trị sử dụng đất sẽ nâng lên. “Từ thực tế này cho thấy cần có quy hoạch đáp ứng nhu cầu sử dụng để giải phóng nguồn lực đất đai”, ông Trần Văn Khuyên nhấn mạnh. Còn theo ông Nguyễn Văn Tâm (ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn), trên địa bàn xã có nhiều khu vực quy hoạch “treo” lâu năm, người dân muốn mua bán, hay sửa chữa nhà cửa cũng khó khăn, dẫn tới không an cư, khó lạc nghiệp.

Tại huyện Bình Chánh, tình trạng quy hoạch phát triển đô thị kém hiệu quả cũng khiến người dân xây nhà ở không phép, sai phép chiếm tỷ lệ cao của thành phố Hồ Chí Minh. Ngay cả quận trung tâm của thành phố là Bình Thạnh, khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa dù có vị trí rất đắc địa nhưng vẫn chưa được đầu tư tương xứng. UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các cơ quan chức năng đang thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa để thu hút đầu tư tại bán đảo này.

Nguồn lực quan trọng để phát triển

Năm 2015, khu đất số 23 Lê Duẩn, quận 1 (diện tích hơn 3.000m²) được thành phố bán đấu giá thành công với số tiền kỷ lục 1.430 tỷ đồng, cao hơn nhiều giá khởi điểm (550 tỷ đồng). Tuy nhiên, từ đó đến nay, khu trung tâm hiện hữu của thành phố (không tính Khu đô thị mới Thủ Thiêm) không có cuộc đấu giá đất nào có giá trị tương đương.

Hiện, khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khu “đất vàng” đang tìm các nhà đầu tư để được sử dụng hiệu quả, góp phần chỉnh trang đô thị. Ngay tại quận 1, khu Mả Lạng, khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão... sau nhiều năm vẫn chưa tìm được “chủ nhân” do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập.

Ngày 10-12-2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức bán đấu giá thành công 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) với tổng giá trị hơn 37.000 tỷ đồng, đạt mức giá trung bình hơn 1,2 tỷ đồng/m². Theo Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện trong khu đô thị còn 51 lô đất với diện tích hơn 793.000m² đang được đơn vị này kêu gọi đầu tư, trong đó có 9 lô đất đã hoàn thiện hạ tầng và hồ sơ pháp lý, sẵn sàng tổ chức đấu giá; 6 lô đất đang hoàn tất các thủ tục đấu giá. Dự kiến, tháng 1-2022, các lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ tiếp tục được tổ chức bán đấu giá. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, trên nguyên tắc công khai, minh bạch, công tác đấu giá quyền sử dụng đất sẽ giúp tài nguyên đất đai của thành phố được sử dụng đúng với giá trị.

Năm 2022 và các năm tiếp theo, thành phố Hồ Chí Minh xác định tài nguyên đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng để góp phần phát triển thành phố. Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Nguyễn Thanh Nhã, hiện thành phố đang điều chỉnh các đồ án quy hoạch sử dụng đất theo 3 mục tiêu chính gồm: Phù hợp với pháp lý, định hướng, chủ trương lớn của thành phố; phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển; phù hợp với ứng phó biến đổi khí hậu. Còn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ dùng 4 công cụ quản lý đất đai gồm: Thực thi pháp luật; quy hoạch sử dụng đất; tài chính đất đai; quản lý hành chính đất đai.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, tổ công tác đầu tư, tổ giải quyết khó khăn, vướng mắc của thành phố đang phối hợp chặt chẽ để giải quyết các ách tắc trong thủ tục đầu tư, trong đó có thủ tục liên quan đến đất đai để nguồn lực này được sử dụng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Nguyễn Lê