Chủ động, linh hoạt
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 30/12/2021
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các chương trình ưu đãi trong việc huy động vốn, cho vay. Theo đó, các ngân hàng đã đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn vốn vay thông qua việc mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn, giãn thời gian trả nợ…
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế năm 2021 vẫn đạt mức tăng cao. Cụ thể, tính đến ngày 22-12, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020. Đặc biệt, tổng số tiền lãi lũy kế đến nay đã được các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng là khoảng 34.900 tỷ đồng.
Kết quả khả quan nêu trên một lần nữa khẳng định sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, có sự vào cuộc tích cực của ngành Ngân hàng trên quan điểm luôn sát cánh, đồng hành với khách hàng, nhất là cộng đồng doanh nghiệp - “xương sống” của nền kinh tế trong quá trình phục hồi.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực khiến không ít khách hàng lâm vào cảnh thua lỗ hoặc hoạt động cầm chừng, nên nguy cơ xảy ra nợ xấu rất cao. Do đó, cùng với việc chỉ đạo, giám sát hệ thống ngân hàng triển khai các chương trình huy động vốn đủ sức cạnh tranh với các kênh đầu tư khác, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn nhằm khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Đồng thời chú trọng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao…
Đặc biệt, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về phục hồi kinh tế - xã hội đã đề ra, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô và thị trường. Song song đó, tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế, bảo đảm an toàn hệ thống và xử lý hiệu quả nợ xấu.
Về phía các ngân hàng, bên cạnh việc đưa ra các chương trình ưu đãi lãi suất để huy động vốn, cần tiếp tục triển khai các chương trình cho vay với lãi suất tốt nhất; tăng cường hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp về định hướng sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn vay hiệu quả…
Chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp điều hành tín dụng sẽ giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.