Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI: Tiếp tục đổi mới và phát triển
Văn hóa - Ngày đăng : 06:31, 30/12/2021
Dấu ấn nhiệm kỳ 2015-2020
Tính đến thời điểm này, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí, thuộc 4 loại hình: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Có hơn 45.000 lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Trong đó, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội có 11 chi hội, liên chi hội, với gần 1.000 người làm công tác nghiệp vụ báo chí.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, trong giai đoạn 2015-2020, báo chí Việt Nam đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19...
“Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo thực hiện tốt Đề án báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, tổ chức tốt Giải Báo chí quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành; ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; tổ chức hơn 500 lớp bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho những người làm báo”, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng thông tin, các cơ quan báo chí Thủ đô đã làm tốt vai trò định hướng thông tin, là diễn đàn gần gũi, tin cậy của nhân dân. “Từ các chương trình công tác lớn, nhiệm vụ trọng tâm, những khâu đột phá của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố... đến hầu hết các hoạt động của Thủ đô đều có đóng góp tích cực của hội viên các cơ quan báo chí Hà Nội. Qua thực tiễn sinh động của Thủ đô, từng hội viên được rèn luyện, trưởng thành, có nhiều tác phẩm hay, chất lượng tốt”, nhà báo Kiều Thanh Hùng thông tin.
Vượt qua thách thức trong bối cảnh mới
Theo Hội Nhà báo Việt Nam, bên cạnh thời cơ, trong 5 năm qua, hoạt động báo chí gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, do tác động của mạng xã hội, xu thế toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vừa tạo cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với báo chí trước sức ép cạnh tranh thông tin, thu hút bạn đọc.
Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam Trần Bá Dung cho rằng, hoạt động báo chí còn tồn tại nhiều vấn đề, như: Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, sa đà vào thông tin “mặt trái”, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục; việc thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí có nơi còn mang tính hình thức. “Với xu hướng báo chí công nghệ và đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc, các cơ quan báo chí phải thay đổi, nâng cấp chất lượng, dần chuyển sang mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện”, nhà báo Trần Bá Dung nói.
Còn theo Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Tô Quang Phán, những người làm báo phải tự trang bị đầy đủ kiến thức, trau dồi đạo đức, nghiệp vụ, tư duy và nhạy bén về chính trị, đặc biệt là giỏi công nghệ, sử dụng thành thạo trang thiết bị thì mới có thể đáp ứng yêu cầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tại Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh khẳng định, việc chuyển đổi số trong hoạt động báo chí là tất yếu. Việc chuyển đổi này không chỉ là đầu tư công nghệ, mà trước hết là thay đổi tư duy, cách thức vận hành của đội ngũ lãnh đạo báo chí, các phóng viên, biên tập viên...
Đổi mới để bảo đảm báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thu hút bạn đọc là nhiệm vụ cơ bản và cũng là kỳ vọng được đặt ra cho Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, với phương châm “Đoàn kết - kỷ cương - đổi mới - sáng tạo - phát triển” diễn ra từ ngày 29 đến 31-12, tại Hà Nội. Hôm nay (30-12), Đại hội khai mạc với sự tham gia của 553 đại biểu đại diện cho 27.448 hội viên sinh hoạt trong 288 đơn vị cấp hội, 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, 20 liên chi hội, 205 chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Hội Nhà báo thành phố Hà Nội có 22 đại biểu.