Các ngân hàng triển khai nhiều chương trình ưu đãi dịp cuối năm: Hỗ trợ phục hồi sản xuất

Tài chính - Ngày đăng : 06:05, 30/12/2021

(HNM) - Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn liên tục tăng cao vào những tháng cuối năm 2021 cũng như đầu năm 2022, cộng với việc gửi tiền ngân hàng phải cạnh tranh với nhiều kênh đầu tư hấp dẫn khác, như: Chứng khoán, bất động sản…, các ngân hàng liên tục triển khai nhiều chương trình ưu đãi với khách hàng gửi tiết kiệm cũng như vay vốn. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều chương trình huy động vốn hấp dẫn

Trước tình trạng nguồn tiền gửi tiết kiệm ngân hàng sụt giảm trong mấy tháng gần đây, các ngân hàng đã “tung” ra nhiều chương trình huy động vốn hấp dẫn. Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) triển khai chương trình tặng quà 1,5 triệu đồng với khách hàng gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên và đăng ký dịch vụ tài khoản thanh toán. Đặc biệt, VietinBank tặng quà giá trị lên tới 10 triệu đồng là số tài khoản tự chọn khi khách hàng giới thiệu bạn bè, người thân, đối tác… gửi tiền tiết kiệm tại VietinBank.

Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) có chương trình quay số trúng thưởng khi khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến từ 1 triệu đồng (kỳ hạn 1 tháng trở lên). Giải Đặc biệt là sổ tiết kiệm trị giá 200 triệu đồng.

Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) ra mắt sản phẩm tiết kiệm Prime Savings trên ứng dụng trực tuyến VPBank NEO. Theo đó, với các khoản tiền gửi từ 10 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng trở lên, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất nhân đôi ngay trong tháng đầu tiên. Ưu đãi này giúp VPBank trở thành một trong những ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi hấp dẫn nhất trên thị trường, cao hơn các sản phẩm tiền gửi khác tới 0,7%/năm. Đại diện VPBank cho biết, nếu trước đây, mọi người thường nghĩ phải có một khoản “ra tấm ra món” mới gửi tiết kiệm thì nay chính các ngân hàng góp phần thay đổi thói quen quản lý tài chính của người dùng khi khuyến khích tiết kiệm từ những khoản tích lũy nhỏ với nhiều hình thức đơn giản, tiện lợi.

Theo các chuyên gia tài chính, việc các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi được đánh giá là "trúng" tâm lý của người gửi tiền trong bối cảnh lãi suất giữa các ngân hàng hiện nay không có nhiều chênh lệch. Khảo sát trên thị trường cho thấy, với kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tiền gửi hiện dao động 3-4%/năm; kỳ hạn 6-12 tháng là 3,7-5%/năm và trên 12 tháng là 4,2-6,5%/năm, trong đó các mức lãi cao sẽ đi kèm quy định cụ thể về số tiền gửi.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, trước áp lực lạm phát và sự cạnh tranh của các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, nên tăng trưởng tiền gửi của ngân hàng đang sụt giảm. Trong khi đó, vốn khách hàng dần hồi phục trong dịp kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ngân hàng đưa ra các chương trình ưu đãi lãi suất để huy động vốn.

Tư vấn lãi suất cho khách hàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Ảnh: Quang Thái

Hỗ trợ khách hàng vay vốn

Cùng với những chương trình ưu đãi huy động vốn, các ngân hàng cũng tích cực hỗ trợ khách hàng vay vốn. Điển hình là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tiếp tục triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 20.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tăng tốc phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong đó, một nửa giá trị gói vay được dành cho khách hàng doanh nghiệp, lãi suất từ 4,5%/năm với kỳ hạn vay 3 tháng và 5,5%/năm với kỳ hạn vay 6 tháng; một nửa còn lại dành cho khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay từ 6,5%/năm. Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như: Nam Á, Á Châu… cũng đang có những gói vay tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 5-6,5%/năm cho các doanh nghiệp.

Hay với VPBank, khách hàng có nhu cầu vay mua bất động sản sẽ được lựa chọn một trong các gói lãi suất: 5,9%/năm cố định trong 3 tháng, 7,9%/năm trong 6 tháng, 8,3%/năm trong 12 tháng, 8,6%/năm trong 18 tháng... Khách hàng được vay đến 80% giá trị tài sản bảo đảm, hạn mức giải ngân 20 tỷ đồng và thời hạn vay kéo dài 25 năm; được hưởng ân hạn nợ gốc 12 tháng (trong năm đầu tiên không phải thanh toán nợ gốc)...

Mặc dù các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động vốn để cạnh tranh với các kênh đầu tư khác nhưng vẫn nỗ lực giảm lãi suất cho vay. Theo thống kê, 16 ngân hàng lớn (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thống nhất giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu của doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 trong 5 tháng cuối năm 2021. Tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính khoảng 20.613 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu (Hà Nội) Lương Văn Thư chia sẻ: “Công ty đã được vay 21 tỷ đồng với lãi suất 0% trong thời gian 11 tháng để trả lương. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì số tiền này thực sự hữu ích”.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất. Do đó, để vừa tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế, đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai một số giải pháp điều hành tín dụng trọng tâm. Trong đó, định hướng tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên; đôn đốc tổ chức tín dụng thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán…

Hà Linh