Kỳ họp không thường kỳ sẽ giải quyết những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra
Chính trị - Ngày đăng : 16:31, 30/12/2021
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, kỳ họp không thường kỳ lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) vào ngày 4-1-2022 và bế mạc vào ngày 11-1-2022 (tổng thời gian làm việc là 4,5 ngày). Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (riêng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội).
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 1 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết theo quy trình tại một kỳ họp. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
“Để góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, kỳ họp diễn ra nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển”, đồng chí Vũ Minh Tuấn nói.
Về nội dung trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp không thường kỳ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nội dung hết sức quan trọng nhằm phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 thời gian qua tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
“Việc thông qua Nghị quyết sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2022, năm 2023 và tạo dư âm đến hết nhiệm kỳ. Nếu để nội dung này lại đến kỳ họp Quốc hội thường kỳ (tháng 5-2022) thì sẽ chậm 5 tháng mới quyết định được, ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước”, đồng chí Bùi Văn Cường nói.
Nội dung thứ hai là một luật sửa nhiều luật, theo Tổng Thư ký Quốc hội, cũng hết sức cần thiết để giải quyết những điểm cần tháo gỡ. Tương tự, dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông cũng cần xem xét sớm để thúc đẩy các tuyến giao thông huyết mạch dọc đất nước, thúc đẩy giao thương hàng hóa, du lịch và nhiều lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng nhằm thúc đẩy một địa phương vốn là động lực cho đồng bằng sông Cửu Long trở thành đầu tàu tác động tích cực tới các tỉnh trong khu vực cũng như đóng góp cho cả nước.
“Các nội dung đều cần thiết và cấp bách để ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... Kỳ họp không thường kỳ rất quan trọng để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra. Mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, sự phát triển của đất nước, kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được hiến định”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, đồng thời cho biết thêm, rất có thể sẽ có thêm các kỳ họp bất thường khác nếu có việc cần thiết, cấp bách cần Quốc hội giải quyết sớm.
Thông tin thêm về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến cho biết, có 5 giải pháp chủ yếu được đưa ra để tổ chức thực hiện. Trong đó gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
“Chương trình cơ bản bao quát được toàn bộ lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội... Các giải pháp chú trọng tính hiệu quả, lan tỏa, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới”, đồng chí Phạm Thị Hồng Yến nói.