Khai mở tiềm năng từ Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo”

Văn hóa - Ngày đăng : 06:48, 01/01/2022

(HNM) - Là nơi gặp gỡ Đông - Tây, nơi hội tụ kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng hiếm có, cùng cộng đồng sáng tạo năng động, Thủ đô Hà Nội có nhiều ưu thế để trở thành trung tâm nuôi dưỡng, thúc đẩy sáng tạo văn hóa phát triển. Với việc ấn định Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo” là sự kiện tổ chức thường niên, thành phố kỳ vọng hình thành chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quy tụ cộng đồng sáng tạo khai mở tiềm năng, thế mạnh Thủ đô trong xây dựng, phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Khách tham quan triển lãm tại Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo” năm 2021. Ảnh: Thanh Thủy

“Bữa tiệc” của các loại hình nghệ thuật sáng tạo

Là sự kiện cuối trong ngày thứ hai (25-12) của Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo 2021”, màn trình diễn “Rồng rắn lên mây” của thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng và Phạm Văn Tuấn tại Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật - 22 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), khiến khán giả choáng ngợp. Dưới bàn tay tài hoa, nét thư pháp với hai sắc màu tương phản “đen - đỏ” cùng bay bổng trên dải lụa trắng trải dài, ẩn hiện trên nền sương khói. Bốn chữ chủ đề “Rồng rắn lên mây” được viết bằng chữ Nôm, thể hiện lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, vừa mang ý nghĩa về sự đoàn kết, tương trợ giữa người với người, vừa gợi đến thế rồng bay kiêu hãnh trong truyền thuyết Thăng Long - Hà Nội.

Thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng chia sẻ: “Mỗi lần trình diễn là một trải nghiệm khác nhau, nên mỗi tác phẩm cũng là một bản thể độc nhất, không rập khuôn, sao chép. Dù đã trình diễn tại nhiều nơi, cả trong và ngoài nước, song lần trình diễn nào cũng đem đến cảm xúc mới lạ, đặc biệt”.

Trước đó, vở diễn “Cõi thinh không” cũng là một trong những chương trình thu hút được nhiều đăng ký trải nghiệm nhất tại Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo 2021”. Vở diễn là khám phá về điểm nối giữa nghệ thuật tuồng truyền thống với nghệ thuật đương đại, giữa các nhân vật trong vở diễn với các khán giả, giữa âm nhạc truyền thống với âm nhạc hiện đại. Theo bà Lê Thị Bích Lân (phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm), vở diễn lấy cảm hứng từ tác phẩm tuồng cổ nổi tiếng, mang đầy đủ đặc điểm kinh điển của loại hình nghệ thuật này, song lại sáng tạo nhờ tính tương tác cao hơn - khán giả có thể trở thành một phần của câu chuyện và sự giao thoa giữa âm nhạc “Đông” và “Tây”…, đã mang đến cho người xem một không gian, cảm xúc hoàn toàn mới lạ, tạo ấn tượng khó quên.

Không chỉ có các màn trình diễn ấn tượng, giàu cảm xúc, Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo 2021” còn là diễn đàn để các chuyên gia, nhà văn hóa, nhà đầu tư…  hay cộng đồng sáng tạo trao đổi về các chủ đề xuyên suốt liên quan đến sáng tạo lấy cảm hứng từ các giá trị di sản truyền thống và bản địa trong đời sống đương đại và công nghệ; các tiềm năng, lợi thế, các cơ hội, thách thức cùng giải pháp khơi nguồn sáng tạo từ nguồn tài nguyên văn hóa Thủ đô. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận tu bổ các di tích bị bỏ sót, bỏ quên, chuyển đổi thành không gian văn hóa, sáng tạo cộng đồng. Chủ trương này đã mang đến nhiều chuyển biến, trong đó mới nhất là Hội quán Quảng Đông trở thành Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật - 22 Hàng Buồm - điểm đến của những triển lãm, tọa đàm, sự kiện biểu diễn đặc sắc.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Hội quán Quảng Đông là công trình hiện thân của sự cộng sinh về văn hóa. Việc chúng ta chuyển đổi giá trị sử dụng một cách đúng đắn, văn minh như vậy, chính là bảo tồn sự cộng sinh văn hóa, đồng thời khơi nguồn cho sự cộng sinh ấy tiếp diễn trong cuộc sống đương đại.

Phát huy tiềm năng sáng tạo cho văn hóa Thủ đô

Là năm đầu tiên tổ chức, Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo 2021” do UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng Tạp chí Kiến trúc phối hợp thực hiện, nhằm mục đích tạo nền tảng kết nối các nguồn lực và tài năng phát huy tinh hoa từ di sản văn hóa của Hà Nội trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo. Sự kiện kéo dài từ ngày 24 đến 31-12, tại Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật - 22 Hàng Buồm, quy tụ 15 sự kiện, từ trình diễn các loại hình nghệ thuật sáng tạo đến tọa đàm, giao lưu, chia sẻ của các chuyên gia, nhà văn hóa, đại diện các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật… trên địa bàn thành phố.

Song song với đó là 10 không gian triển lãm sắp đặt và trải nghiệm công nghệ thực tế ảo sẽ kéo dài đến hết tháng 2-2022, tạo nên một cuộc đối thoại đa chiều hấp dẫn giữa các ngành nghệ thuật sáng tạo với một không gian thấm đẫm tính giao thoa văn hóa và nghệ thuật tại Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật - 22 Hàng Buồm. Có thể kể đến các chương trình, hoạt động tiêu biểu, như: Triển lãm "Thiết kế sáng tạo Hà Nội; trưng bày “Ký họa phố cổ Hà Nội”, không gian sắp đặt video art “Đại tượng”, workshop “Sức sống mới trong không gian xưa cũ”, tọa đàm “Khơi nguồn sáng tạo - Hà Nội 2021”, trình diễn thời trang “Nhị hà flow”, hòa nhạc Đàn đó… Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho rằng, Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo 2021” là một sự kiện rất ý nghĩa và kịp thời của thành phố, nhằm tạo cơ hội cho những bông hoa nghệ thuật nở rộ, để Hà Nội xứng đáng với danh hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, phù hợp với vị thế Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo.

Khẳng định Hà Nội có đầy đủ tiềm năng và lợi thế trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ thúc đẩy sự sáng tạo về văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo 2021” sẽ được tổ chức thường niên, gồm chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật nhằm tạo cơ hội trao đổi, thúc đẩy, hình thành các cộng đồng sáng tạo, tìm kiếm các ý tưởng thiết kế để phát huy tốt hơn những tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong quá trình xây dựng Thành phố sáng tạo.

Miên Hạo