10 sự kiện nổi bật ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2021
Đời sống - Ngày đăng : 14:32, 01/01/2022
1. Thích ứng nhanh, linh hoạt với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách. Trong năm, toàn ngành giải quyết khoảng 95.762 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; chi trả an toàn cho khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; chi trả kịp thời các chế độ cho gần 119 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT)...
2. Triển khai thành công các chính sách hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, toàn ngành hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 375.000 đơn vị với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với 363.000 đơn vị sử dụng lao động với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng. Cùng với đó, toàn ngành đã chi trả chế độ hỗ trợ cho 12.941.196 lao động với số tiền khoảng 30.730 tỷ đồng.
3. Số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng. Tính đến hết ngày 31-12-2021, số người tham gia BHXH hơn 16,5 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2020, đạt 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 1,4 triệu người, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020...
4. Tích cực chuyển đổi số. Ngành đã xây dựng đề án tổng thể về chuyển đổi số, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin phát triển chính phủ số giai đoạn 2021-2025; đã hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu dân. Đó là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, là một trong 6 cơ sở quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử...
5. Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, gồm 9 nhóm thông tin, trong đó các nhóm thông tin về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là những dữ liệu gốc. Đây là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...
6. Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch Covid-19.
Năm qua, BHXH Việt Nam kết hợp giữa thanh tra truyền thống với thanh tra theo phương thức điện tử. Thời gian thanh tra, kiểm tra giảm 48%, từ 20 giờ vào những năm trước, xuống còn 10,5 giờ trong năm 2021.
7. Hoàn thành vượt chỉ tiêu về chi trả chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Năm 2021, cả nước có hơn 57% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp nhận qua tài khoản cá nhân ở khu vực đô thị, tăng 9% so với năm 2020, vượt 7% chỉ tiêu được giao.
8. Đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch Covid-19. Năm qua, toàn ngành tổ chức hơn 74.600 hội nghị truyền thông trực tiếp và trực tuyến, thu hút hàng triệu lượt người tham gia. Các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải hơn 31.300 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, tăng gần 2 lần so với năm 2020.
9. Tăng cường dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc người tham gia, thụ hưởng chính sách với gần 407.000 người được tư vấn, hỗ trợ qua hệ thống tổng đài của ngành, tăng 26% so với năm 2020; trả lời 7.914 câu hỏi trên cổng thông tin điện tử, fanpage của BHXH Việt Nam, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước.
10. Tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội. Năm 2021, BHXH Việt Nam tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh, phát triển các hoạt động hợp tác song phương, đa phương; từng bước khẳng định vị thế, hình ảnh của BHXH Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực và trách nhiệm của Hiệp hội an sinh xã hội ASEAN (ASSA), Hiệp hội an sinh xã hội quốc tế (ISSA) và hơn 50 nước, tổ chức quốc tế.