Bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ mới trong phòng, chống Covid-19 của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh
Đời sống - Ngày đăng : 21:31, 01/01/2022
10 bài học kinh nghiệm năm 2021
Một là, mỗi phường, xã phải thật sự là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ. Trong đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện và phường, xã, thị trấn đóng vai trò quan trọng. Hai là, xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh, cảnh báo dịch, triển khai xét nghiệm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp linh hoạt giữa sử dụng kỹ thuật RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện và nhanh chóng dập dịch. Ba là, cách ly F0 để ngăn chặn lây lan là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung, chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Bốn là, chiến lược chăm sóc F0 theo 2 trụ cột: Dựa vào cộng đồng và dựa vào bệnh viện, cụ thể là: Phát triển mô hình Trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà, triển khai mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng” chăm sóc tốt nhất cho người bệnh và hạn chế tối đa chuyển viện. Năm là, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho công tác phòng, chống dịch, phát huy hiệu quả vai trò của các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức thiện nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch.
Sáu là, phát huy hiệu quả phối hợp giữa ngành Y tế với lực lượng công an, quân đội trong triển khai các hoạt động phòng, chống dịch gắn liền với an sinh xã hội. Bảy là, củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tám là, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, xây dựng nguồn dữ liệu tin cậy, làm cơ sở dự báo để kịp thời khống chế dịch hiệu quả, phát huy hiệu quả của công nghệ tư vấn, sàng lọc từ xa.
Bài học kinh nghiệm thứ chín, vắc xin là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm độ bao phủ vắc xin đến từng người dân. Mười là, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới trong giám sát, dự báo dịch bệnh, công tác chăm sóc và điều trị F0 ở các tầng.
9 nhóm nhiệm vụ năm 2022
Để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc tốt sức khỏe của người dân khi triển khai chiến lược sống chung an toàn với Covid-19, trong năm 2022, ngành Y tế thành phố đã xác định 9 nhóm hoạt động trọng tâm, với mục tiêu củng cố hệ thống y tế, góp sức cùng các cấp, các ngành trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Một là, nhóm nhiệm vụ triển khai các chiến lược y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, gồm tiếp tục tiêm vắc xin phòng bệnh đến từng người dân; phòng, chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm khác; sẵn sàng nhân lực y tế cho các cấp độ dịch; bảo vệ hiệu quả nhóm người nguy cơ, giảm tử vong do Covid-19. Hai là, nhóm nhiệm vụ khôi phục công tác khám, chữa bệnh thông thường, bao gồm củng cố, tái cấu trúc hệ thống y tế từ cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình y học gia đình tại trạm y tế.
Ba là, triển khai các giải pháp giúp ổn định tài chính cho các đơn vị sự nghiệp trong tình hình dịch bệnh kéo dài. Bốn là, phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyên khoa sâu, trong đó, chú trọng nâng cao năng lực y tế cơ sở; chuyển đổi quản lý trung tâm y tế từ Sở Y tế về UBND các quận, huyện; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chuyên khoa của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa.
Năm là, xây dựng và hoàn chỉnh Đề án Phát triển công nghiệp dược trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; nâng cao năng lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố ngang tầm các nước trong khu vực. Sáu là, triển khai chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu lớn của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh. Bảy là, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả, gồm Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Pháp y; đưa các công trình xây dựng đã hoàn thành đi vào hoạt động, bao gồm: Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2), Khu kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhân dân 115.
Tám là, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường cải cách thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân. Chín là, tăng cường quản lý hành nghề y, dược tư nhân. Đáng chú ý là việc triển khai thí điểm các cơ chế để các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra bán thuốc kê đơn, thực hiện việc cấp tài khoản liên thông trên Cổng dữ liệu dược quốc gia cho các cơ sở bán buôn thuốc.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.