''Sống xanh'' - nhìn từ nghệ thuật tái chế: Không chỉ mang đến những thông điệp về môi trường
Văn hóa - Ngày đăng : 05:22, 02/01/2022
Xu hướng của thế giới
Sự phát triển nhanh chóng của xã hội đã gây tác động xấu đến môi trường, trong đó có việc xả ra một lượng rác thải khổng lồ. Do đó, tái chế đã trở thành một hành động thiết yếu để bảo vệ môi trường và là xu hướng được khuyến khích trong rất nhiều lĩnh vực. Sự xuất hiện của một phong trào nghệ thuật được gọi là nghệ thuật tái chế (còn gọi là nghệ thuật upcycled hoặc nghệ thuật upcycling) đang truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới với thông điệp quan trọng là bảo vệ môi trường. Họ tìm cách biến chất thải như giấy, bìa cứng, gỗ, thủy tinh, nhựa, kim loại, cao su... thành tác phẩm nghệ thuật.
Thực tế, việc sử dụng vật liệu cũ (phế thải) để sáng tạo tác phẩm đã bắt đầu từ lâu. Chẳng hạn như những tác phẩm cắt dán từ báo cũ của Pablo Picasso (1881 - 1973) hay các nghệ sĩ khác như Marcel Duchamp (1887 - 1968) và Robert Rauschenberg (1925 - 2008) đã biến lốp xe đạp và biển báo đường phố thành các tác phẩm nghệ thuật... Thậm chí, những nghệ sĩ thuộc trường phái như Pop Art, Trash Art hay Drap Art cũng thường xuyên sử dụng các vật liệu tái chế. Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy nghệ thuật tái chế trong một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc, trong thời trang cao cấp hoặc đồ nội thất trong một ngôi nhà.
Xu hướng này được đánh giá cao bởi các giá trị về bảo vệ môi trường, sử dụng vật liệu cũ để tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Những người tìm mua loại tác phẩm nghệ thuật này không chỉ thấy các tác phẩm hấp dẫn vì giá trị nghệ thuật của chúng, mà họ còn được thúc đẩy bằng mong muốn đóng góp cho trái đất cũng như mang lại cho các vật liệu một cuộc sống thứ hai. Phong trào này giúp tạo môi trường giáo dục rất thú vị để nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là với trẻ em, về tác hại của việc xả thải đối với môi trường và tầm quan trọng của việc tái chế.
Sự kỳ công và danh tiếng
Nghệ thuật tái chế đòi hỏi nhiều thời gian để khám phá, thử nghiệm vật liệu và khả năng của chúng, thu gom chất thải và tìm kiếm ý tưởng phù hợp. Nhưng phải chăng, chúng có nhiều ý nghĩa về mặt xã hội hơn là vẻ đẹp nghệ thuật? Thực tế, tính nghệ thuật của các tác phẩm này ngày càng được khẳng định và ngày càng có nhiều nghệ sĩ trên thế giới thành công với nghệ thuật này.
Nghệ sĩ Brazil Vik Muniz là một nhân vật quan trọng của phong trào nghệ thuật tái chế với các tác phẩm được đánh giá là kiệt tác. Vật liệu mà Vik Muniz sử dụng rất đa dạng, từ thùng rác đến giấy vụn, dây điện, mảnh ghép và thậm chí cả bụi. Muniz tạo ra các tác phẩm quy mô lớn, thậm chí rất lớn với sự tham gia hỗ trợ của nhiều người.
Trong bộ phim tài liệu "Waste Land", công chúng được “mục sở thị” cách nghệ sĩ này thực hiện dự án tại Jardim Gramacho - bãi rác ngoài trời lớn nhất thế giới ở Rio de Janeiro - trong suốt ba năm. Vik Muniz đã làm việc với những người nhặt rác, họ đã thu gom rác thải cho các dự án nghệ thuật tái chế của ông. Vào cuối dự án, Vik Muniz đã bán tất cả các bức ảnh trong một sự kiện đấu giá và tặng số tiền thu được cho những người nhặt rác.
Nghệ sĩ Derek Gores (Mỹ) cũng được coi là một bậc thầy trong nghệ thuật cắt dán với các tác phẩm được làm từ giấy tạp chí vụn, nhãn và các vật liệu tái chế khác. Tác phẩm của ông hầu hết miêu tả chân dung phụ nữ hoặc cảnh đời thường, lấy cảm hứng từ thế giới thời trang và thiết kế. Mặc dù các tác phẩm của ông là một bức tranh khảm của nhiều đồ vật khác nhau, chúng vẫn rất đẹp và được giới sưu tầm yêu thích.
Hai nghệ sĩ người Anh Tim Noble và Sue Webster gặp nhau năm 1986, khi đang học mỹ thuật ở Nottingham. Cặp đôi được biết đến với các tác phẩm “điêu khắc bóng" mang tính biểu tượng, được làm từ vật liệu tái chế và rác.
Hay Guerra de la Paz, một nhóm nghệ sĩ Cuba lại gây ấn tượng với những vật liệu độc đáo như quần áo tái chế, từ đó họ tạo ra những tác phẩm điêu khắc nhiều màu sắc. Nghệ thuật của Paz đặt ra câu hỏi về xã hội tiêu dùng hiện đại và cách chúng ta sử dụng hay vứt bỏ những đồ vật vẫn còn trong tình trạng tốt, chẳng hạn như quần áo...
Bằng sức sáng tạo của mình, các nghệ sĩ trên thế giới đã chứng minh rằng không có đường biên nào trong việc sáng tạo với vật liệu tái chế. Phong trào nghệ thuật tái chế chính là cách mà các nghệ sĩ đương đại tham gia vào cuộc tranh luận về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và truyền cảm hứng hành động đến với đông đảo công chúng.