Thủy sản Việt Nam chủ động ra “biển lớn”

Nông nghiệp - Ngày đăng : 17:34, 02/01/2022

(HNMO) - 2021 là một năm đầy sóng gió với ngành Nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng khi một loạt nhà máy sản xuất, chế biến phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp đã chủ động nguyên liệu, linh hoạt khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đạt được nhiều thành công, đặc biệt là xuất khẩu, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng chung của nông nghiệp nước nhà.

Ngành thủy sản đạt mục tiêu tăng trưởng mạnh năm 2021.

Tăng trưởng ngoạn mục

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân, mặc dù có 4-5 tháng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, ngành Thủy sản đã tăng trưởng vượt bậc, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm 2021 ước đạt 4,75 triệu tấn, tăng 4,17% so với năm 2020; xuất khẩu thủy sản đạt 8,89 tỷ USD. 

Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang tập trung sản xuất thực hiện các đơn hàng cho đối tác, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau) Lê Văn Quang cho biết: Có thời điểm các nhà máy chỉ sản xuất được 25-30% công suất, nhưng các công ty chế biến thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh sản xuất, công nhân tăng ca để bảo đảm các đơn hàng xuất khẩu.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng) Hồ Quốc Lực thông tin: Để phục vụ thị trường cuối năm, công ty đã yêu cầu tăng ca, đẩy mạnh sản xuất, nâng tổng kim ngạch cả năm lên 210 triệu USD, tăng hơn 12% so với năm ngoái.

Về sản xuất, kinh doanh thủy sản năm 2021, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Bá Anh thông tin: Số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã có sự tăng trưởng hết sức tích cực trong năm 2021. Theo đó, đã có 13 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ; 19 doanh nghiệp vào thị trường Nga; 67 doanh nghiệp vào thị trường Hàn Quốc; 31 doanh nghiệp vào Trung Quốc...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: Năm 2021, các doanh nghiệp thủy sản đã chủ động, linh hoạt vượt thách thức, xuất khẩu đạt 8,89 tỷ USD, góp phần quan trọng nâng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của ngành Nông nghiệp lên con số 48,6 tỷ USD (mục tiêu đặt ra là 42 tỷ USD).

Chủ động vươn ra “biển lớn” 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng, năm 2022, dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với việc xuất hiện các biến chủng mới (Omicron); giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn; giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm… Thách thức còn là yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, “thẻ vàng” của ủy ban châu Âu (EC) chưa được tháo gỡ, cường lực khai thác ở mức cao trong khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm... Tuy nhiên năm 2022, thủy sản Việt Nam vẫn đặt chỉ tiêu đạt tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Văn Đạo, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt khoảng 80 triệu USD, năm 2022 đặt mục tiêu tăng lên 100 triệu USD. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp để điều chỉnh giá thuê container nhằm giúp doanh nghiệp bớt áp lực về chi phí logistics. 

Cũng về vấn đề này,  theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam, thủy sản Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước như: Ecuador, Ấn Độ… Tại thị trường châu Âu và Mỹ, tỷ lệ xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh đã lên tới 46%, tiếp tục tạo ra thách thức mới với thủy sản Việt Nam. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp thủy sản mong muốn ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực này, trong đó tập trung nâng cao chất lượng con giống, để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, năm 2022, ngành Thủy sản sẽ phải phấn đấu hết sức quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra. Bởi dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động logistic và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự báo trong các tháng 1, 2 và 3 của năm 2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo tổ chức sản xuất giống, vật tư “đầu vào” phục vụ cho nhu cầu thả nuôi trong các tháng đầu năm 2022; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường giải pháp bảo đảm nguyên liệu chế biến thủy sản. Cùng với đó, hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu, chủ động vươn ra “biển lớn”, tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường có giá trị cao.

Ngọc Quỳnh