Gia tăng bệnh về da khi thời tiết khô lạnh
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:18, 03/01/2022
Những sai lầm khiến da bị “hủy hoại”
Cách đây 10 năm, anh T.T.P (45 tuổi, ở Hà Nội) bị mắc bệnh vẩy nến. Hằng tháng, anh vẫn đến bệnh viện kiểm tra và lấy thuốc định kỳ. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên anh hạn chế đến bệnh viện tái khám và lấy thuốc. Sau đợt lạnh những ngày qua, bệnh vẩy nến của anh P. chuyển biến nặng. Khi đến Bệnh viện Da liễu trung ương, da của anh P. đã lợt đỏ đến 90% cơ thể, thậm chí còn nứt kẽ, dày sừng kèm theo ngứa dữ dội…
Tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân P., bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, thời tiết hiện nay rất bất lợi cho những người bị vẩy nến hay viêm da cơ địa. Hơn nữa, do chăm sóc da chưa đúng cách, khiến bệnh càng tăng nặng. Bệnh nhân P. là trường hợp điển hình không tuân thủ việc dùng thuốc và dưỡng ẩm đầy đủ, lại tắm nước quá nóng, làm cho da bị mất nước nghiêm trọng, dẫn đến viêm nhiễm.
Tương tự, trong thời gian gần đây, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám các bệnh về da, chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết khô lạnh mùa đông, như: Viêm da cơ địa, khô da, sần ngứa, mề đay… Bác sĩ Nguyễn Ngọc Yến, Trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện lưu ý, có những bệnh nhân khi mắc bệnh đã tự ý lên mạng, tìm kiếm “bác sĩ Google” hoặc mua thuốc tự điều trị. Sau khi tự bôi thuốc có chứa thành phần corticoid, toàn thân mọc đầy trứng cá. Thuốc corticoid là “con dao hai lưỡi”, nếu dùng không hợp lý, có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, gây nguy hiểm.
Thời tiết lạnh khô cũng là nỗi lo lắng hàng đầu với trẻ mắc viêm da cơ địa. Thời gian gần đây, Khoa Da liễu (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng da khô đỏ, ngứa trên diện rộng. Điển hình như gia đình bé trai T.P (14 tháng tuổi, ở Hà Nội) khi thấy da con khô sần, nổi mảng đỏ, ngứa... không cho đi khám, mà tự mua thuốc về nhà để điều trị. Sau đó, các tổn thương trên da tiếp tục lan ra toàn thân, khiến bé ngứa ngáy khó chịu, quấy khóc, ăn kém. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, bé P. được chẩn đoán viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm thể tạng (eczema), là căn bệnh mạn tính và có liên quan tới cơ địa dị ứng.
“Một trong những sai lầm thường gặp ở cả người lớn và trẻ em khi gặp các vấn đề, như: Da khô, nứt nẻ… thường dùng các loại lá đun lấy nước để tắm. Các loại lá cây như trà xanh dù kháng khuẩn nhưng lại khiến da khô, tạo môi trường bất lợi cho da... Thậm chí, nhiều bệnh nhân còn dùng lá chà xát lên da, làm cho da bị tổn thương nặng nề”, bác sĩ Nguyễn Quang Minh cảnh báo.
Giữ ẩm cho da, dùng thuốc đúng chỉ định
Căn nguyên khiến các bệnh về da bùng phát trong mùa khô lạnh là do tình trạng mất nước, tăng lớp sừng, làm cho da khô ráp… Bác sĩ Phạm Thị Mai Hương, phụ trách Khoa Khám bệnh đa khoa, kiêm Trưởng khoa Da liễu (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, việc quan trọng đầu tiên để chăm sóc da trong điều kiện thời tiết này là giữ ẩm cho da. Việc này vừa có tác dụng chống khô da, vừa tránh ngứa và hạn chế bệnh tái phát.
“Việc dưỡng ẩm cho da cần thực hiện hằng ngày và lâu dài. Sau khi triệu chứng bệnh đã được cải thiện và tùy vào mức độ để lựa chọn các chế phẩm giữ ẩm cho da, có thể là dạng lỏng, dạng kem hoặc dạng mỡ. Tùy theo giai đoạn của bệnh là mạn tính hay cấp tính, mà có cách điều trị phù hợp”, bác sĩ Phạm Thị Mai Hương khuyến cáo.
Về việc sử dụng thuốc bôi da, bác sĩ Nguyễn Ngọc Yến, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Hà Nội) cho biết, cùng một bệnh, trẻ em và người lớn sử dụng thuốc khác nhau, liều lượng khác nhau. Kể cả khi bệnh cũ tái phát thì mức độ bệnh, thể trạng cũng đã khác, nên người bệnh phải đến cơ sở y tế thăm khám để bác sĩ kê đơn thuốc mới. Riêng với nhóm thuốc corticoid khi dùng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng bệnh của da, bác sĩ có những chỉ định thuốc kèm theo, như: Thuốc kháng sinh, kháng vi rút, chống nấm, chống ngứa…
Để bảo vệ da của trẻ trong điều kiện thời tiết khô lạnh, bác sĩ Phạm Thị Mai Hương lưu ý, cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo chất liệu cotton, mềm, dễ thấm hút. Điều quan trọng, luôn chú ý loại bỏ các yếu tố kích ứng làm cho tình trạng của bệnh nặng lên như bụi, phấn hoa, lông chó, mèo… Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc thực phẩm lạ. Lựa chọn các loại sữa tắm dịu nhẹ, ít kích ứng và có tính chất dưỡng ẩm. Khi cho trẻ tắm không nên tắm nước quá nóng và không ngâm trẻ trong nước quá lâu.