Thành phố Hồ Chí Minh: Bảo đảm cung ứng đủ hàng Tết
Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 03/01/2022
Hàng hóa dồi dào
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày cuối cùng của năm 2021 tại siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), hàng hóa xếp đầy trên các kệ hàng để phục vụ người dân mua sắm dịp Tết. Ngoài các mặt hàng kẹo bánh, nhu yếu phẩm... thì thực phẩm như cá, tôm, thịt, rau, củ, quả… được siêu thị nhập về tươi ngon, người tiêu dùng đánh giá cao. “Hàng hóa tại siêu thị nhiều, tươi ngon, đáp ứng nhu cầu của gia đình tôi trong dịp Tết này”, chị Nguyễn Thị Ánh Phương (ngụ đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) chia sẻ.
Để chủ động nguồn hàng, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước, nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng, phần lớn ngân sách của đơn vị ưu tiên đầu tư cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường như gạo, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản…, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Còn tại cửa hàng thực phẩm Vissan (290A, Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh), các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt lợn, bò, gà) và chế biến (xúc xích, lạp xưởng, đồ hộp…) cũng rất đa dạng, phong phú. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) Phan Văn Dũng cho hay, Vissan hiện chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm đầy đủ với hàng thực phẩm tươi sống khoảng 2.800 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; thực phẩm chế biến 4.200 tấn, tăng khoảng 6%, đáp ứng sản lượng cung cấp cho các nhà phân phối, người tiêu dùng.
Các chuỗi siêu thị lớn như GO! và Big C cũng chủ động nguồn hàng để cung ứng lượng thịt lợn cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với dịp Tết năm 2021. Ngoài một lượng lớn rau quả tươi sống sẽ được cung ứng ra thị trường, các chuỗi siêu thị này cũng nhập khẩu 1.500 tấn trái cây, hơn 2.000 tấn thịt lợn, thịt gia cầm, cá nguyên con đông lạnh…, phục vụ nhu cầu đa dạng của người mua.
Về tổng thể, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đến nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị gần 20.000 tỷ đồng để dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết. Trong đó, sẽ dành riêng hơn 7.220 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng bình ổn với các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả, thực phẩm chế biến.
Hàng Tết có giá bình ổn
Theo Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã khởi động giai đoạn kinh doanh cao điểm Tết và tổ chức giảm giá khuyến mãi 8 tuần liên tục đối với các ngành hàng đồ dùng, may mặc, thực phẩm…, để kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm Tết. Trong 10 ngày cận Tết Nguyên đán, giá sẽ tiếp tục giảm sâu để người dân ai cũng có thể mua sắm Tết theo khả năng của mình.
Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đều khẳng định giữ nguyên giá và luôn sẻ chia với người dân. Ngoài ra, tất cả doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường ký cam kết giữ ổn định giá, không tăng giá trong 1 tháng trước và 1 tháng sau Tết. Trong 2 ngày cận Tết Nguyên đán, doanh nghiệp sẽ giảm giá sâu một số mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... cho người thu nhập thấp.
Phó Tổng Giám đốc Vissan Phan Văn Dũng thông tin, doanh nghiệp vẫn nỗ lực cung cấp đủ hàng cho thị trường với mức giá bình ổn. "Chúng tôi mong Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là cầu nối với ngành Công Thương các địa phương khác để liên kết nhà sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh đưa hàng ra thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân", ông Phan Văn Dũng nói.
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin: "Ở kênh phân phối truyền thống, Ban Quản lý các chợ sẽ theo dõi diễn biến giá cả hàng hóa. Nếu có biến động bất thường về giá sẽ báo ngay cho Phòng Kinh tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Sở Công Thương để kịp thời điều phối, bổ sung nguồn hàng và ổn định giá. Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện nhiều chương trình bán hàng lưu động bình ổn thị trường cho công nhân, người lao động".