Cùng hóa giải nỗi lo

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 04/01/2022

(HNM) - Dịp cuối năm, thị trường nông sản, thực phẩm trên địa bàn Thủ đô lại sôi động do nhu cầu tiêu thụ lớn. Thời điểm hiện tại, hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 gia tăng cũng là lúc dễ phát sinh nhiều nguy cơ về mất an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Xác định bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thành phố Hà Nội  đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm; quán triệt doanh nghiệp, cơ sở sản suất, điểm kinh doanh bán hàng phải bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; đồng thời kiểm soát chặt chẽ mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ... Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn chú trọng thực hiện tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là minh bạch thông tin tới người tiêu dùng thông qua việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm sử dụng mã QRcode...

Tuy nhiên, Hà Nội hiện vẫn có hơn 17.500 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, phần lớn nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao. Trong khi đó, dịp Tết Nguyên đán lại là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng để đưa ra thị trường những sản phẩm nông sản, thực phẩm kém chất lượng gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, trà trộn những sản phẩm không rõ nguồn gốc vào sản phẩm an toàn. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.

Việc làm quan trọng và thiết thực nhất hiện nay là các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bảo đảm an toàn nông sản, thực phẩm, những hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những đơn vị, cơ sở vi phạm về an toàn nông sản, thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương khác đưa về Hà Nội tiêu thụ. Sau kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng cần kịp thời công khai những cơ sở đạt và không đạt về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn sử dụng sản phẩm...

Về lâu dài cần có chính sách hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn tập trung quy mô lớn; phát triển và nhân rộng những mô hình nông sản, thực phẩm sạch khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, bảo đảm mọi nông sản, thực phẩm đều truy xuất được nguồn gốc; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng. Qua đó, từng bước chấm dứt tình trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, đẩy mạnh áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm sử dụng mã QRcode, xây dựng thương hiệu cho nông sản; đặc biệt cần nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Người tiêu dùng cần từ chối, tẩy chay các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn thực phẩm; kiên quyết nói không với những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và chính người tiêu dùng Thủ đô, chắc chắn nỗi lo về nguy cơ mất an toàn vệ sinh nông sản, thực phẩm sẽ được hóa giải không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Quỳnh Anh