Học sinh các khối lớp 7, 8, 10, 11 tại thành phố Hồ Chí Minh đến trường học trực tiếp

Giáo dục - Ngày đăng : 08:41, 04/01/2022

(HNMO) - Sáng 4-1, khoảng 680.000 học sinh các khối lớp 7, 8, 10 và 11 tại thành phố Hồ Chí Minh đến trường học trực tiếp. Như vậy, đã có khoảng 830.000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại thành phố đến trường đi học. Các cấp, ngành và các trường cùng gia đình nỗ lực để các em có môi trường học tập an toàn trước dịch Covid-19.

Các trường đều hướng dẫn học sinh tuân thủ quy định giãn cách, rửa tay khử khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào trường.

Sáng 4-1, tại khu vực cổng Trường THPT Nam Sài Gòn (quận 7) nhộn nhịp người và xe cộ. Các phụ huynh học sinh lớp 10 và 11 đều muốn tự mình đưa con đến trường trong ngày đầu đi học trực tiếp, sau nhiều tháng các em không được đến trường và học online để phòng, chống dịch Covid-19.

Thầy giáo Đoàn Mao, chủ nhiệm lớp 10A1 Trường THPT Nam Sài Gòn cho biết, trong buổi họp phụ huynh ngày 3-1, hơn 88% phụ huynh của lớp đã đồng ý để con em mình đến trường học trực tiếp. Về phía nhà trường, đã bố trí đủ các phương án phân luồng học sinh từng khối lớp; bố trí học giãn cách, lệch giờ. “Nhà trường cũng đã thông tin chi tiết đến từng phụ huynh về sơ đồ lớp học; các phương án xử lý khi phát hiện F0… để phụ huynh nắm và phối hợp cùng nhà trường tổ chức dạy, học an toàn cho các em”, thầy giáo Đoàn Mao thông tin.

Trong ngày đầu trở lại trường, các học sinh được hướng dẫn cách phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Là phụ huynh học sinh lớp 10A1, chị Trần Thúy Ngọc chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên con tôi nhập học tại trường mới, cháu và gia đình rất hồi hộp. Tuy nhiên, được tận mắt chứng kiến cách nhà trường phân luồng lối ra vào cho từng khối lớp từ những cổng trường khác nhau; cách nhân viên nhà trường nhắc nhở các con giãn cách, khử khuẩn, khai báo y tế… tôi yên tâm cho cháu đi học bán trú cả ngày. Các cháu sẽ học thứ ba, năm, bảy, lệch ngày so với khối lớp 11 (học thứ hai, tư, sáu)”.

Các trường THCS cũng căn cứ vào tình hình thực tế của trường mình để bố trí lịch học hợp lý, an toàn. Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1) Trương Quốc Hưng cho biết, lớp 7 và 9 sẽ học buổi sáng; lớp 8 học buổi chiều. Lớp nào sĩ số quá 45 em, sẽ chia đôi lớp.

“Các phương án xử lý khi phát hiện ca F0 được nhà trường chuẩn bị đúng hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế. Với thực tế 2 tuần thí điểm cho học sinh lớp 9 học trực tiếp an toàn, chúng tôi thấy có thể xử lý các vấn đề phát sinh mà không làm ảnh hưởng nhiều đến công tác dạy và học”, ông Trương Quốc Hưng nói.

Thời điểm các học sinh khối lớp từ 7 đến 12 đi học trực tiếp cũng là lúc kỳ thi học kỳ I năm học 2021-2022 sắp diễn ra. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho hiệu trưởng các trường chủ động tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh từ ngày 4 đến 22-1-2022 và tổ chức kiểm tra trực tiếp theo đúng quy định. Tại một thời điểm, số lượng học sinh học tập trực tiếp không được vượt quá 50% tổng số lượng học sinh của trường. Với trường có tổ chức bán trú, giờ học trực tiếp trên lớp không vượt quá 8 tiết/ngày.

Học sinh các khối lớp học trực tiếp được bố trí ngồi giãn cách, học lệch giờ, đảm bảo tập trung không quá 50% học sinh nhà trường trong cùng một thời điểm.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị  - tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đối với học sinh khối 6 và học sinh thuộc các khối lớp khác, vì lý do bất khả kháng không thể đến trường tham dự kiểm tra học kỳ trực tiếp trong khoảng thời gian quy định, sẽ được kiểm tra sau khi quay lại trường học trực tiếp để được bổ sung kiến thức, khắc phục các hạn chế do học tập trực tuyến kéo dài. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, học sinh khối 6 chưa thể đến trường học tập trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo để có hướng dẫn thực hiện kiểm tra học kỳ I năm học 2021-2022 cho các em.

“Trong 3 tuần dạy và học trực tiếp cho các khối lớp 9 và 12, dù phát hiện 60 ca F0 (40 học sinh và 20 giáo viên, cán bộ nhà trường), nhưng các trường và ngành Y tế đã xử lý tốt, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong trường học. Với việc hơn 83% số phụ huynh các lớp 7, 8, 10, 11 đồng ý cho con em đi học và cảnh giác trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tạo dựng môi trường học tập an toàn cho học sinh và giáo viên, từ đó tiến tới mở rộng việc học trực tiếp với các khối lớp khác”, ông Trịnh Duy Trọng cho biết.

Bích Ngọc