Tập trung hỗ trợ các đối tượng chịu tác động chính của đại dịch Covid-19

Chính trị - Ngày đăng : 17:45, 04/01/2022

(HNMO) - Chiều 4-1, tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ nhất, các đại biểu Quốc hội khóa XV đã thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động do dịch Covid-19 thì việc hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm đối với các đối tượng chịu tác động nhiều nhất do đại dịch.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại tổ.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết trên cơ sở phân tích ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 trong 2 năm qua đối với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, việc thực hiện quyết liệt các giải pháp để phục hồi tăng trưởng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội rất quan trọng.

“Vì thế, có chính sách hỗ trợ, phát triển là điều rất cần thiết trong lúc này. Tôi cơ bản tán thành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, bởi không chỉ đề ra mục tiêu, giải pháp, mà có phương án huy động nguồn lực thực hiện hỗ trợ”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cho biết nhiều quốc gia đã tăng chi ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chủ tịch nước cho rằng phải chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách tăng trong tầm kiểm soát.

Nhận định “cầu” của nền kinh tế còn yếu, Chủ tịch nước cho rằng cần tăng tổng “cầu”, nhất là trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những đối tượng gặp khó khăn cần được hỗ trợ như người nghèo, công nhân. Việc hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để phát triển trong lúc khó khăn này là cần thiết, song nền tảng là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, những hỗ trợ cho người lao động và các khu vực bị ảnh hưởng cần được thực hiện khẩn trương, quyết liệt để đến được tay người dân, doanh nghiệp sớm nhất, tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, làm sao để họ tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất và kiểm soát được tham ô, lãng phí hiệu quả nhất trong quá trình thực thi chính sách. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề xuất, trong quá trình thực hiện gói tài khóa, tiền tệ để phát triển kinh tế, phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng bảo đảm chất lượng, năng suất lao động với tinh thần tự cường; áp dụng những giải pháp chuyển đổi số, sử dụng công nghệ tốt hơn, mạnh hơn, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, cụ thể. Đồng thời, cần bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm thu ngân sách nhà nước bền vững hơn; tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết qua công cụ thuế.

 Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) đánh giá cao việc Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết cùng với những mục tiêu và các nhóm giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu vẫn băn khoăn vì mục tiêu phòng, chống dịch trong dự thảo còn khá mơ hồ, trong khi việc xác định thời điểm dịch Covid-19 chấm dứt hoàn toàn là rất khó.

“Nếu không chống dịch thành công thì hệ thống y tế bị tổn hại nghiêm trọng, tác động đến phục hồi kinh tế và an sinh xã hội. Vì thế, chống dịch vẫn phải là mục tiêu số một trong chương trình này. Trong đó, việc bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là quan trọng nhất”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho cả đất nước, vì vậy, việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế là cần thiết. Nhận định dự thảo về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trình lần này khá bài bản, đi đúng hướng, có cơ sở, nhưng đại biểu cho rằng cần có lộ trình thực hiện cụ thể hơn.

“Trong 5 gói giải pháp, phải có đánh giá tác động và chia ra làm hai kỳ là phục hồi và tăng trưởng. Phục hồi khỏe rồi mới đến kỳ tăng trưởng, trong đó, giai đoạn phục hồi có thể phải mất 1,5-2 năm trong bối cảnh xuất hiện biến chủng Omicron”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Đại biểu Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, kinh tế Việt Nam như "cơ thể chuẩn bị hết bệnh cần thuốc phục hồi": “Sức khỏe của doanh nghiệp, người dân kiệt quệ sau đại dịch, do đó, gói phục hồi kinh nếu được ban hành sớm thì phục vụ cho quá trình khôi phục nền kinh tế”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thời gian tới, muốn kinh tế vực dậy thì cần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng. Theo đó, cần tạo ra cầu cho nền kinh tế. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội gói chính sách tài khóa 291 nghìn tỷ đồng, trong đó có giảm thuế 64 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần mức giảm thuế của năm ngoái (năm ngoái giảm 21,5 nghìn tỷ đồng); chính sách chi hỗ trợ thuê nhà cho người lao động là 6,6 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm thuế; bảo lãnh cho ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, cho học sinh, sinh viên vay, phát triển miền núi…

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cho rằng, trong thời điểm này, khi Chính phủ dành một phần lớn ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế thì việc đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng là cần thiết và quan trọng. Việc này sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn dài tiếp theo. Đại biểu kiến nghị, về chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua hỗ trợ về lãi suất cho các ngân hàng thương mại, cần tiến hành rà soát để xác định chính xác mức độ cần hỗ trợ của các doanh nghiệp, từ đó có những chính sách phù hợp, hiệu quả. Về hỗ trợ trực tiếp cho người dân, đại biểu cho rằng, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là rất cần thiết, sẽ giúp người lao động tháo gỡ khó khăn trước mắt, đồng thời góp phần kích cầu, khuyến khích sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) đề nghị quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung một số bộ luật để tạo cơ sở pháp lý thực hiện chính sách, trong đó có các luật về thuế. Đại biểu cũng đề nghị quan tâm đến đầu tư cho y tế, trong đó, cần tăng cường năng lực hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt là tuyến y tế xã.

 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) thảo luận tại tổ.

Còn đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, gói tài khóa, tiền tệ hỗ trợ về phục hồi và phát triển nền kinh tế - xã hội phải ưu tiên cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất ra hàng hoá, sản phẩm, chứ không phải là các doanh nghiệp tạo ra những giá trị, tài sản vô hình.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) đề nghị, gói hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và chỉ tập trung đầu tư cho những lĩnh vực chịu tác động của đại dịch Covid-19. Theo đại biểu, dự thảo Nghị quyết vẫn tập trung cho đầu tư hạ tầng giao thông, trong khi đây không phải là mảng bị đình trệ do dịch và cũng không phải là nội dung then chốt để phục hồi kinh tế.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) nhấn mạnh việc Chính phủ và các bộ, ngành cam kết, làm rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, tránh lạm dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi.

Đình Hiệp - Tiến Thành