Rõ lợi ích và trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 06/01/2022

(HNM) - Trước sự phát triển “nóng” của dân số cơ học, việc hình thành các khu đô thị tại Hà Nội giúp giải quyết được vấn đề chỗ ở và bổ sung các tiện ích, hạ tầng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, do quy định hiện hành chưa theo kịp thực tiễn, nên việc quản trị, vận hành các khu chung cư sau đầu tư vẫn còn những khoảng trống, bất cập.

Hà Nội có 114 khu đô thị với quy mô khác nhau, nhưng số chung cư đã bàn giao các khu vực công cộng, hạ tầng... cho địa phương quản lý không nhiều. Điều này khiến không ít khu vực công cộng không được khai thác đúng công năng; nhiều diện tích công bị hô "biến" thành bãi trông xe không phép; nhiều vườn hoa, công viên cũng biến dạng vì không được chăm sóc, duy trì cắt tỉa; cây gãy đổ không được thu dọn kịp thời...

Thực trạng trên diễn ra là do chủ đầu tư không muốn bàn giao cho chính quyền địa phương vì những địa điểm này vẫn khai thác được lợi nhuận. Ngược lại, chính quyền nhiều địa phương cũng không muốn thúc đẩy việc này vì sợ phải "ôm" thêm việc. Trong khi đó, dù Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 4-1-2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định, chủ đầu tư phải bàn giao khu vực công cộng cho chính quyền địa phương sau khi kết thúc dự án, nhưng thực tế chưa được thi hành vì thiếu hướng dẫn cụ thể..., khiến “bộ mặt” đô thị không giống như hình ảnh dự án được phê duyệt ban đầu.

Khắc phục việc này, ngày 17-11-2021, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ “Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư”, giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các địa phương thực hiện. Đây sẽ là căn cứ để từng bước đưa các khu đô thị sau giai đoạn đầu tư vào hoạt động quy củ, đúng pháp luật.

Hiện nay, các khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và tại các thành phố lớn trên cả nước nói chung đang bộc lộ nhiều vấn đề và đây là thực tiễn để cơ quan chức năng xem xét, gấp rút hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực này. Để đưa ra quy định đúng, các cấp cần tổ chức sơ kết, tổng kết quá trình hình thành, vận hành đô thị theo từng giai đoạn, làm rõ được những tồn tại bất hợp lý để có giải pháp hóa giải, từng bước quản lý khu đô thị thống nhất, chặt chẽ.

Dù quy định việc chuyển giao sau đầu tư dự án cho chính quyền sở tại còn nhiều bất cập, song trên thực tế vẫn có chủ đầu tư đã hoàn thành phần việc này. Vì thế, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, phát hiện việc các chủ đầu tư cố tình không hoàn thiện công trình, kéo dài thời gian xây dựng, triển khai dự án với mục đích kéo chậm tiến trình bàn giao cho chính quyền sở tại... để kịp thời xử lý.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương có khu đô thị cũng cần nâng cao năng lực quản trị, vận hành để công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả cao. Người đứng đầu các địa phương cần xóa bỏ tư duy "né trách nhiệm" hay tranh thủ khi quy định chưa rõ ràng để “đục nước béo cò”, bắt tay với chủ đầu tư tạo ra những mối lợi cho mình, đẩy bất lợi cho xã hội, cho cư dân...

Suy cho cùng, để việc vận hành, quản trị các khu đô thị thành nền nếp, cần bảo đảm lợi ích và trách nhiệm của 3 bên: Nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Khi đó, mỗi khu đô thị sẽ được vận hành khoa học, góp phần xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thiện Mỹ