Nỗi lo tìm người giúp việc dịp cuối năm
Đời sống - Ngày đăng : 06:14, 06/01/2022
“Đỏ mắt” tìm người giúp việc
Đã qua kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm 2022 nhưng chị Trương Thị Thu, Khu chung cư Royal City (quận Thanh Xuân) vẫn không thể tìm được người giúp việc. Trong khi đó, chồng chị vừa phẫu thuật khớp chân, con còn nhỏ mà công việc cuối năm của chị vô cùng bận rộn. Chị “đỏ mắt” tìm người giúp việc cả tháng nay nhưng vẫn chưa được như ý. Người thì đòi mức lương quá cao 8-9 triệu đồng/tháng, người thì kén việc, chê nhà chị có trẻ con, người ốm nên không làm. Chị đã để lại số điện thoại tại nhiều trung tâm giúp việc nhưng quả là khó khăn trong giai đoạn Tết cận kề.
Ở một hình thái khác, gia đình anh Nguyễn Anh Dũng, ở phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy) tìm được người giúp việc ở quê, nhưng vì người này mới tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 mũi 1 nên không dám lên Hà Nội làm. Tất tả mãi anh Dũng mới tìm được người giúp việc khác quê ở tỉnh Thanh Hóa, nhưng chưa kịp mừng thì anh đã phải tiếc nuối vì người này phải cách ly do liên quan đến ca bệnh F0. Cực chẳng đã, anh đành tìm người giúp việc theo giờ với giá 100.000 đồng/giờ.
Chia sẻ nỗi niềm với các chủ nhà, chị Trần Thị Hoa, người giúp việc quê ở tỉnh Phú Thọ cho biết, chị làm nghề giúp việc đã 15 năm và gắn bó, yêu thích nghề. Tuy nhiên, giai đoạn dịch Covid-19 lần này kéo dài, dịch bệnh lại phức tạp nên chị quyết định về quê nghỉ ngơi. “Dù nhiều người quen điện thoại, giục tôi lên làm việc dịp Tết nhưng tôi đã xa nhà, không ăn Tết cùng con cháu nhiều năm nên năm nay quyết tâm nghỉ một cái Tết”, chị Hoa cho biết.
Chọn nghề giúp việc đã lâu nên chị Lê Thu Huyền, nhà ở huyện Hoài Đức đã quá quen với việc “chạy sô” làm giúp việc theo giờ ngày Tết. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh phức tạp nên chị Huyền đã chủ động “co” thời gian làm việc lại, chỉ làm cho các gia đình thân quen nhiều năm và bảo đảm gia đình đó không nằm trong “vùng cam”.
Nguồn cung giảm do dịch bệnh
Trong năm 2021, nhiều ngành nghề phải tạm dừng hoạt động do dịch bệnh, tuy nhiên nghề giúp việc vẫn chưa bao giờ hết “nóng”. Thậm chí, do quá khan hiếm nguồn cung, trong khi nhu cầu lớn nên mức lương giúp việc tăng hơn so với năm trước. Theo khảo sát tại các trung tâm giúp việc trên địa bàn Hà Nội, mức lương trung bình của người giúp việc nhà hiện nay là 7-8 triệu đồng/ tháng, cao hơn so với đầu năm với mức trung bình 6-6,5 triệu đồng/tháng. Tương tự, nếu trước đây giá lương giúp việc theo giờ trung bình 40.000-60.000 đồng/1 giờ thì nay là 50.000 đồng - 80.000 đồng/giờ.
Theo Giám đốc điều hành Công ty Giúp việc Đức Hạnh (số 3, ngõ 63/212/8 đường Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) Lê Thị Hạnh, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 30-40 cuộc gọi từ khách hàng để tìm người giúp việc. Tuy nhiên, trung tâm chỉ đáp ứng được 3-5 hợp đồng mỗi ngày, đạt 10% so với nhu cầu. Bà Hạnh cho biết, lao động đã hiếm, lại thiếu trầm trọng người chuyên nghiệp, có kinh nghiệm song không vì lợi nhuận mà trung tâm tuyển dụng lao động không có tay nghề để giới thiệu cho khách hàng.
Công ty Hồng Doan (Lô 4E, đường Trung Yên 10B, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cũng là đơn vị chuyên giới thiệu người giúp việc, Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Hồng Doan thông tin, mỗi ngày có đến 50-60 khách hàng điện thoại tìm người giúp việc nhưng trung tâm chỉ đáp ứng được khoảng 4-5 người/ngày. Nhiều người ở quê sợ không dám đi làm vì lo ngại dịch bệnh nên nguồn cung lao động giúp việc dịp cuối năm này kém hơn hẳn các năm trước dù nhiều gia đình sẵn sàng trả giá cao hơn.
Tại các trang, hội, nhóm trên mạng xã hội như: Hội tìm người giúp việc nhà và trông trẻ Hà Nội, Hội tìm người giúp việc… luôn có hàng trăm người có nhu cầu tìm kiếm người giúp việc cuối năm. Song, hầu như các tìm kiếm đều nhận rất ít phản hồi từ phía người giúp việc; trong khi đó thực tế lại có tình trạng nhiều người giúp việc sẵn sàng “nhảy việc” khi có người trả lương cao hơn. Các trường hợp này phần lớn là do chủ nhà và giúp việc chỉ thỏa thuận miệng, không ký hợp đồng nên khó giữ người ở lại.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu, Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14-12-2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động nêu rõ, người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động bằng văn bản. Do vậy, nếu thực hiện tốt quy định này sẽ ràng buộc trách nhiệm cả hai bên và góp phần hạn chế tình trạng nêu trên.