Quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư tại Hà Nội: Cần sớm khắc phục bất cập
Bất động sản - Ngày đăng : 06:10, 06/01/2022
Nhiều dự án chưa bàn giao hạ tầng
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố có 114 khu đô thị. Trong đó, có 7 khu diện tích trên 200ha, 28 khu từ 50 đến 200ha, 44 khu từ 20 đến 50ha, 35 khu nhỏ hơn 20ha. Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, nhìn chung, việc quản lý hành chính tại các khu đô thị, như thành lập tổ dân phố, ban quản trị... được triển khai nhanh chóng, song quản lý đất đai, bảo trì, sử dụng các không gian công cộng còn tồn tại không ít bất cập. Cụ thể, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 4-1-2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định, chủ đầu tư phải bàn giao khu vực công cộng cho chính quyền địa phương sau khi kết thúc dự án, nhưng rất nhiều dự án chưa bàn giao hoặc chậm bàn giao các công trình, quỹ đất có thể khai thác lợi nhuận (bãi đỗ xe, diện tích kinh doanh dịch vụ). Thống kê sơ bộ, quận Hà Đông có 3/13 dự án mới bàn giao một phần; quận Nam Từ Liêm mới có 10/55 dự án hoàn thành bàn giao.
Tại Khu đô thị mới Đặng Xá (huyện Gia Lâm) do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Viglacera làm chủ đầu tư, mặc dù đã đón dân về ở từ năm 2010, song theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, còn 3 lô đất (tổng diện tích 9.700m2) là công trình công cộng vẫn chưa được đầu tư xây dựng; 10/12 tuyến đường giao thông nội bộ vẫn chưa được hoàn thiện. Từ góc độ địa phương, bà Mai Nguyên Hương, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm cho hay, huyện gặp nhiều vướng mắc trong quản lý tại các khu đô thị, nhất là việc bàn giao hạ tầng. Mặt khác, có khu đô thị quy mô dân số tương đương 3-5 xã, nếu giao 1 xã quản lý thì quá sức, mà nếu chia tách theo ranh giới đất thì không biết phân chia thế nào cho hợp lý.
Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đỗ Hậu bày tỏ, chính các bất cập trên là nguyên nhân khiến một số khu đô thị, điển hình như Khu đô thị Linh Đàm đã không còn là khu đô thị kiểu mẫu. Đặc biệt, xung đột giữa chủ đầu tư - người dân trong vận hành, khai thác... xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.
Đâu là giải pháp?
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị Nguyễn Thị Diễm Hằng cho rằng, hiện đang có khoảng trống về chính sách như chưa có quy định về quy chế quản lý, quản trị khu đô thị; về quy trình bàn giao hạ tầng dự án khu đô thị cho chính quyền. Nhận thức, năng lực quản lý của các cấp chính quyền còn hạn chế; các tổ chức chính trị - xã hội trong khu đô thị hoạt động chưa hiệu quả...
Theo ông Nguyễn Dư Minh, Phòng Thẩm định dự án (Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng), các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về đối tượng bàn giao khu đô thị (bàn giao giữa chủ đầu tư với cơ quan quản lý nhà nước hoặc giữa chủ đầu tư với các chủ thể có liên quan là các tổ chức, doanh nghiệp quản lý dịch vụ chuyên nghiệp); nội dung bàn giao gồm những gì, thời điểm bàn giao, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ các bên giao - nhận trước, trong và sau khi bàn giao...
Để vận hành tốt một khu đô thị, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Bùi Xuân Tùng nêu ý kiến, cần tập trung vào 3 chủ thể quan trọng là cư dân, chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, cần xây dựng khung quy định nêu rõ quyền lợi, trách nhiệm của các chủ thể liên quan; xác định mô hình và hình thức quản lý khu đô thị; trình tự bàn giao công trình, đưa vào sử dụng... Về mô hình quản lý, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, có thể thí điểm áp dụng mô hình ban quản trị hoặc hội đồng quản trị thực hiện vận hành cho cả khu đô thị, với thành phần gồm chủ đầu tư, chính quyền địa phương, cư dân. Các chuyên gia cũng đề nghị sớm hoàn thiện mô hình tổ dân phố, cũng như nâng cao năng lực, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và chủ thể tham gia quản trị, vận hành khu đô thị.
Nhằm khắc phục bất cập trong quản trị, vận hành các khu đô thị trên địa bàn, ngày 17-11-2021, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ “Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư”, giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các địa phương thực hiện. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ thông tin, hiện Viện đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp tăng cường quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư từ phương diện cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; giúp thành phố có cơ sở ban hành chính sách hiệu quả; hướng dẫn, quản lý các chủ đầu tư, các ban quản trị trong quá trình vận hành các khu đô thị, xây dựng nếp sống văn minh trong các khu đô thị.