Chống thất thoát, lãng phí trong thực hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025

Chính trị - Ngày đăng : 16:16, 06/01/2022

(HNMO) - Chiều 6-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại tổ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án

Thảo luận về nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án bằng ngân sách nhà nước để sớm triển khai hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Cà Mau, tập trung vào các dự án chưa triển khai và thúc đẩy các dự án đang triển khai. Để làm tốt những dự án đang và sắp triển khai, Chủ tịch nước đề nghị cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư như quy hoạch, thiết kế… đi liền với công tác giải phóng mặt bằng, trong đó, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực giải tỏa, mà trước hết phải tổ chức tốt nơi tái định cư cho người dân.

Nhấn mạnh việc chống thất thoát, lãng phí trong thực hiện các dự án, Chủ tịch nước cho rằng, các đơn vị thi công thực hiện dự án phải đáp ứng đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, thiết bị thi công; song song với phải chấm dứt tình trạng “bán thầu”. “Nhiều đơn vị nhờ quan hệ nên nhận được gói thầu, sau đó bán thầu cho đơn vị khác, qua nhiều bước trung gian. Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có một số gói do bán thầu nên định mức vật tư bị ảnh hưởng, dẫn đến chất lượng công trình bị ảnh hưởng. Đây là kinh nghiệm hết sức sâu sắc”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra, kiểm tra theo đúng yêu cầu thiết kế dự án, không thể buông lỏng để chống thất thoát. Muốn thực hiện nhanh dự án cần có cơ chế khi dự án là vốn nhà nước tập trung, liên quan đến luật, nếu giao một số dự án cho địa phương thì dễ xảy ra nhiều vấn đề trong khớp nối, chất lượng và kinh nghiệm thi công.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về những vấn đề này để đẩy nhanh tiến độ, khớp nối các dự án thành phần… Quá trình đấu thầu phải lựa chọn đơn vị tốt nhất, tránh tình trạng thất thoát có thể xảy ra thông qua việc chỉ định thầu. Tất cả những cách làm này bảo đảm quá trình liên tục, đồng thuận, đồng bộ, tạo điều kiện cho các địa phương, trong đó có yêu cầu về vật liệu xây dựng của các dự án.

“Việc làm cao tốc Bắc - Nam, kể cả những đoạn đang dở dang, đặc biệt là 746km còn lại là yêu cầu cần thiết cho phát triển đất nước, mong rằng Quốc hội sẽ thông qua với các cơ chế giám sát của Quốc hội một cách cụ thể. Chúng ta tạo điều kiện để có sự chủ động nhưng đồng thời phải tăng cường giám sát để chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ.

Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, cần làm rõ hồ sơ chi tiết, cơ sở nào để đưa ra sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, mức tăng đột biến so với các dự án khác. Về nguồn vốn và giải ngân vốn, Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung 72.497 tỷ đồng sẽ cân đối từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc giải ngân trong giai đoạn 2022-2023 là không hề đơn giản vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng với đó, đại biểu cũng kiến nghị tạo cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào dự án; đồng thời, tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để bảo đảm tiến độ thực hiện cũng như hiệu quả.

Tránh lặp lại các bất cập từ giai đoạn 2017-2020

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ lo ngại về thời gian triển khai thực hiện dự án, bởi trên thực tế chúng ta phải mất 2 năm để hoàn thành các thủ tục. Vì thế, đại biểu cho rằng, cần có cơ chế đặc thù, trong đó, đẩy mạnh phân cấp theo các dự án nhóm A để bảo đảm tiến độ và phù hợp với các Nghị quyết của Đảng và chủ trương phân cấp.

“Thời gian qua, địa phương nào thực hiện giải phóng mặt bằng tốt thì tiến độ dự án nhanh, còn nơi nào không làm tốt thì tiến độ dự án rất chậm. Vì thế, trong dự án này cần quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, người đứng đầu các địa phương và coi đó như là nhiệm vụ chính trị phải thực hiện”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn tỉnh Hải Dương) nhận định, số lượng dân tái định cư để thực hiện dự án lớn, ngoài đáp ứng yêu cầu nơi ở của người dân cần bảo đảm các điều kiện phát triển kinh tế, y tế, giáo dục; đặc biệt, cần quan tâm giữ gìn bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu cũng băn khoăn về thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả cho ngân sách trung ương khi hiện nay chưa xác định được thời gian hoàn trả. “Đề nghị xác định rõ thời hạn này để làm căn cứ thu phí giao thông trên cao tốc. Đồng thời, cần làm rõ việc sẽ áp dụng thuê thu phí hay nhượng quyền thu phí?”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nói.

Quang cảnh thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Thống nhất quan điểm chung cần thiết đầu tư dự án, tuy nhiên, đại biểu Đinh Ngọc Quý (Đoàn tỉnh Gia Lai) cho rằng, tổng diện tích rừng phòng hộ chiếm dụng của dự án rất lớn, theo đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. “Tờ trình của Chính phủ chưa nêu rõ diện rừng phòng hộ chiếm dụng thuộc loại nào để xem xét thẩm quyền quyết định chuyển đổi”, đại biểu nói. Bên cạnh đó, các dự án thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thiếu nguyên vật liệu, giá nguyên vật liệu tăng cao, bãi đổ thải... Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần có các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt để xử lý những vấn đề nêu trên, tránh ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và địa phương dự phòng khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, đề ra phương án giải quyết, tránh để dự án kéo dài gây thất thoát ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, phải bảo đảm chất lượng thống nhất, đồng bộ giữa các dự án thành phần; áp dụng thu phí tự động không dừng khi đưa vào khai thác vận hành các tuyến cao tốc...

Cùng ngày, thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí với việc ban hành Nghị quyết, trong đó có các cơ chế ưu đãi về tài chính, ngân sách; từ đó, giúp thành phố Cần Thơ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần thúc đẩy cả vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long phát triển thời gian tới.

Đình Hiệp - Tiến Thành