Làn sóng Covid-19 mới tại Mỹ: Nhiều khó khăn đang đặt ra
Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 07/01/2022
Những thành tựu y học để chống lại Covid-19 như vắc xin và các phương pháp điều trị dường như không đủ để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, hiện Omicron chiếm tới 95% các trường hợp nhiễm Covid-19, trong khi biến chủng Delta chỉ còn 4,6%. Kể từ khi phát hiện biến chủng này vào ngày 1-12-2021, Omicron đã nhanh chóng lan rộng khắp cả nước, thay thế chủng Delta chủ đạo và gây ra một làn sóng lây nhiễm mới. Với 1.080.211 ca nhiễm mới được ghi nhận riêng trong ngày 3-1-2021, nước Mỹ trở thành quốc gia có số ca nhiễm mới cao kỷ lục toàn cầu.
Tốc độ lây lan nhanh của Omicron đang khiến các bệnh viện vốn đã căng thẳng trở nên áp lực hơn. Ngay cả khi tỷ lệ các trường hợp nhiễm Omicron nói chung chuyển sang mức độ ít nghiêm trọng hơn thì một số bang vẫn đang chứng kiến mức tăng cao về số lượng bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Hiện tại, một số bang đang chứng kiến những đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ khiến bệnh viện quá tải hơn bao giờ hết. Theo điều tra của Đại học Minnesota, hơn 35% số giường ICU của bang Ohio đang chật kín bệnh nhân Covid-19. Illinois và Pennsylvania cũng lập kỷ lục mới với các bệnh nhân Covid-19 phải điều trị ICU.
Càng có nhiều người bị nhiễm bệnh, thì vi rút càng có nhiều khả năng lây lan sang người khác. Bên cạnh đó, những người bị nhiễm bệnh phải cách ly ít nhất 5 ngày theo hướng dẫn mới của CDC. Thời gian này ngắn hơn so với khuyến nghị 10 ngày trước đó, có khả năng khiến nhiều người bị lây nhiễm hơn. Điều này có thể khiến vấn đề nhân sự tại các bệnh viện trở nên khủng hoảng, hạn chế khả năng chăm sóc bệnh nhân. Các dịch vụ thiết yếu khác bên ngoài hệ thống y tế, chẳng hạn như cảnh sát và lính cứu hỏa, cũng có thể thiếu nhân lực. Trong khi đó, một số trường học đang chuyển sang học từ xa vì sự gia tăng Covid-19 tại địa phương... Sự lây lan nhanh chóng của Omicron cũng khiến tình trạng thiếu lao động trở nên trầm trọng hơn, làm ảnh hưởng đến các ngành khách sạn, y tế, du lịch…
Còn các hãng hàng không đã hủy hàng nghìn chuyến bay trong những ngày nghỉ lễ vừa qua do có quá nhiều nhân viên dương tính với Covid-19. Một số nhà phân tích đang dự đoán, nền kinh tế Mỹ có thể suy giảm trong quý đầu tiên của năm 2022 do lực lượng lao động cạn kiệt và nhiều người phải thận trọng hơn để tránh Omicron.
Rõ ràng, Omicron vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống y tế và nền kinh tế Mỹ. Trong bối cảnh này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trấn an người Mỹ rằng, đất nước có các biện pháp cần thiết để chống lại sự gia tăng của biến chủng Omicron, đồng thời kêu gọi những người chưa tiêm chủng nên đi chủng ngừa cũng như tiêm vắc xin tăng cường để bảo vệ khỏi những tác động nghiêm trọng nhất của biến chủng này.
Theo các nghiên cứu ban đầu, mặc dù dễ lây lan hơn, nhưng Omicron cũng ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, Cố vấn y tế trưởng của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh, Susan Hopkins cảnh báo rằng, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác về mức độ nghiêm trọng của Omicron. Hiện giới chức Mỹ đang nỗ lực để tìm ra giải pháp dung hòa vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa không khiến nền kinh tế bị đóng cửa hoặc phải tạm dừng các dịch vụ thiết yếu.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.