WHO cảnh báo không nên quá kỳ vọng miễn dịch tự nhiên với Omicron

Thế giới - Ngày đăng : 18:13, 07/01/2022

Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cảnh báo, dù Omicron không nghiêm trọng bằng Delta, không thể nói rằng đây là một biến thể “nhẹ” bởi người nhiễm Omicron vẫn có thể phải nhập viện và tử vong.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh có thêm hàng triệu người dương tính với vi rút SARS-COV-2 do biến thể Omicron lây lan nhanh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thận trọng lưu ý rằng, những ý nghĩ cho rằng đây sẽ là biến thể cuối cùng, hoặc biến thể này có thể đưa thế giới đến mức độ miễn dịch cao đối với vi rút, là "ý nghĩ mong ước".

Phát biểu tại họp báo tối 6-1-2022, ông Michael Ryan, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO - nhấn mạnh, trên thế giới vẫn có hàng tỷ người chưa tiêm phòng và “đây vẫn là cơ hội cho vi rút lây lan và sinh ra những biến thể mới”.

Đề cập một số ý kiến cho rằng Omicron sẽ là biến thể cuối cùng, ông Ryan nói: "Tôi cho rằng, ở thời điểm này đây là ý nghĩ mong ước".

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đã chứng kiến các mức lây nhiễm rất cao của các biến thể trước và mức kháng thể rất cao, nhưng Omicron vẫn có thể xuất hiện và tấn công vào những lỗ hổng miễn dịch khắp thế giới".

Số ca nhiễm tăng ở nhiều nước trong những tuần qua đang làm “nóng” lại tranh cãi về việc liệu biến thể Omicron có đưa các nước đến miễn dịch cộng đồng hay không, tức là khi dân số miễn dịch với vi rút nhờ tiêm phòng hoặc đã nhiễm vi rút trước đó.

Vì Omicron có khả năng lây lan rất nhanh và có vẻ ít gây bệnh nặng so với các biến thể khác như Delta, một số nhà khoa học cho rằng điều này cho thấy có thể hy vọng vi rút đang yếu đi.

Tại Philippines, chuyên gia sinh học tế bào Nicanor Austriaco tại Viện nghiên cứu Octa Research ví Omicron như một "may mắn" và “bắt đầu kết thúc đại dịch”.

Dẫn một nghiên cứu trong đó các bệnh nhân nhiễm Omicron dường như có được kháng thể giúp bảo vệ họ khỏi mắc Covid-19, chuyên gia này thậm chí còn so sánh Omicron như một “vắc xin tự nhiên”.

Nhưng WHO lưu ý, thực tế số ca nhiễm liên tục ghi nhận các mức cao chưa từng thấy và hàng triệu người chưa tiêm vắc xin tiềm tàng cơ hội cho vi rút hoành hành, khó có thể chắc chắn khi nào sẽ kiềm chế được dịch Covid-19.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO cho biết: “Vi rút đang tiến hóa và chúng ta đang cho chúng cơ hội để tồn tại, khi chúng càng lây lan nhiều thì cơ hội biến đổi càng lớn. Vì vậy, đây sẽ không phải là biến thể cuối cùng cũng như sẽ không phải là biến thể đáng lo ngại cuối cùng”.

Bà nhấn mạnh: “Không có gì bảo đảm rằng biến thể tiếp theo sẽ ít nghiêm trọng hơn hay sẽ nghiêm trọng hơn. Chúng ta chỉ có thể quan sát điều gì xảy ra khi vi rút tiến hóa".

Cũng đề cập Omicron và miễn dịch cộng đồng, một quan chức cấp cao Bộ Y tế Israel, ông Nachman Ash gần đây cho biết: “Số ca nhiễm sẽ phải rất cao để đạt miễn dịch cộng đồng. Điều này là có thể, nhưng chúng tôi không muốn đạt miễn dịch cộng đồng thông qua việc nhiễm vi rút, chúng tôi muốn đạt miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm phòng”.

Một mặt trái của việc chờ Omicron tiếp tục lây lan với hy vọng tạo miễn dịch cộng đồng là biến thể này vẫn có thể gây ra nhiều ca tử vong.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cảnh báo, dù Omicron không nghiêm trọng bằng Delta, không thể nói rằng đây là một biến thể “nhẹ”, bởi người nhiễm Omicron vẫn có thể phải nhập viện và tử vong.

Benjamin Co, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và nghiên cứu dược phẩm lâm sàng tại Trung tâm Bệnh viện và y khoa châu Á và Trung tâm Y tế Cardinal Santos nhận định rằng, trong bối cảnh biến thể Delta vẫn đang tiếp tục lây lan trong cộng đồng, không có gì bảo đảm lây nhiễm sẽ ở mức nhẹ.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Quả thực đây có thể là một giải pháp, nhưng miễn dịch cộng đồng tự nhiên là một trò chơi rất nguy hiểm”.

Như vậy, cách tốt nhất để bảo vệ cộng đồng là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trên diện rộng, trong khi bảo đảm các biện pháp nhằm ngăn chặn đà lây lan của vi rút. Điểm mấu chốt là khi vi rút càng ít lây lan, chúng càng ít có cơ hội biến đổi.

Khi thế giới bước vào năm thứ ba của đại dịch Covid-19, hậu quả của tình trạng dịch lây lan rộng rãi chính là sự xuất hiện của các biến thể mới. Chuyên gia Benjamin Co khẳng định "chừng nào sự lây lan vẫn mạnh, vi rút sẽ tìm ra cách để biến đổi".

Quan chức WHO Michael Ryan nhấn mạnh: “Chúng ta có thể hy vọng bất cứ điều gì, chúng ta nên hy vọng. Nhưng thực tế là chúng ta vẫn chưa làm đủ trên quy mô toàn cầu để có thể nói chắc chắn rằng chúng ta có thể ngăn chặn được sự xuất hiện của các biến thể mới”.

Theo Bích Liên/TTXVN/Vietnam+