Để mọi người lao động có Tết
Đời sống - Ngày đăng : 06:20, 07/01/2022
Ngóng thưởng Tết
Càng gần đến Tết, chị Nguyễn Thị Thuần (công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam, huyện Đông Anh) càng mong ngóng thông tin thưởng Tết từ ban lãnh đạo công ty. “Dù biết thưởng Tết còn phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty nhưng tôi vẫn hy vọng có khoản tiền thưởng”, chị Thuần tâm sự.
Còn anh Đặng Mạnh Dũng, công nhân Công ty cổ phần Dệt 10-10 (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Tôi đang là F0 điều trị tại bệnh viện nên chưa cập nhật thông tin thưởng Tết. Nhưng tôi và phần đông công nhân đều mong muốn mức thưởng Tết không thấp hơn năm ngoái". Tương tự, chị Chu Thị Luyến (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh) cũng kỳ vọng, mức thưởng Tết năm 2022 bằng hoặc cao hơn năm 2021. “Với việc Công đoàn giám sát ổn định quan hệ lao động dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán 2022, tôi tin quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động sẽ được bảo đảm”, chị Luyến nói.
Đánh giá chung về tình hình quan hệ lao động, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng nhận định, thời điểm cận Tết Nguyên đán có thể nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp lao động nên Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo Công đoàn các cấp, nhất là cấp cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động rà soát, giám sát việc thực hiện những giao kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng, sớm thông báo mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến tập thể người lao động biết, yên tâm làm việc.
Cùng chia sẻ vượt khó
Trên cơ sở báo cáo của hơn 6.000 doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thông tin về mức tiền thưởng Tết Nhâm Dần 2022. Theo đó, mức thưởng Tết năm nay giảm nhẹ so với năm 2021. Tuy nhiên, chênh lệch giữa các mức thưởng Tết của các khối doanh nghiệp khá cao từ vài trăm nghìn đồng cho đến hàng chục triệu đồng.
Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam Nguyễn Văn Minh thông tin, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2021 của công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng công ty sẽ cố gắng duy trì khoản thưởng Tết cho công nhân như những năm trước. Công tác chăm lo người lao động, công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo vẫn được duy trì với mức hỗ trợ 1-1,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, theo hướng dẫn của Liên đoàn Lao động thành phố, toàn bộ hơn 7.800 công nhân lao động của công ty tại Khu công nghiệp Thăng Long sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng/người, cũng là cách chia sẻ hỗ trợ người lao động vượt qua dịch bệnh.
Về việc chăm lo Tết cho người lao động, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội Hoàng Thị Bích Hạnh chia sẻ, quan tâm chu đáo Tết cho công nhân lao động là mục tiêu phấn đấu của công ty. Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng công ty đã quán triệt và chuẩn bị các khoản chi lương, thưởng, kinh phí hỗ trợ để chăm lo cho 3.000 công nhân của công ty đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Cũng với quan điểm quan tâm Tết cho người lao động, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho biết, công đoàn ngành đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác trong dịp Tết cho người lao động. Đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, công đoàn đề xuất, kiến nghị hợp lý để người lao động được thanh toán tiền lương trong dịp Tết. Với mục tiêu “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội sẽ trao tổng số 600 suất quà với mức 1 triệu đồng/suất cho đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời tổ chức chương trình xe ô tô miễn phí đưa công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết sum vầy với gia đình.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, cùng với việc đôn đốc, giám sát việc chi lương, thưởng Tết cho người lao động tại doanh nghiệp, các cấp công đoàn cần nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người lao động ở từng bộ phận, từng doanh nghiệp. Khi có vướng mắc phát sinh cần hỗ trợ, công đoàn cơ sở khẩn trương tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người sử dụng lao động, giải quyết kịp thời, hạn chế mức thấp nhất các cuộc tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể xảy ra. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích và các chế độ phúc lợi để người lao động biết, tạo sự chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện.