Tạo điểm tựa an sinh

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 08/01/2022

(HNM) - Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của đại bộ phận người dân Thủ đô, nhưng các cấp, ngành từ thành phố tới cơ sở đã chủ động triển khai linh hoạt nhiều biện pháp hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Nhờ đó, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân Thủ đô, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, ở khu vực xa trung tâm, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng được cải thiện.

Tính đến cuối năm 2021, toàn thành phố còn khoảng 0,2% hộ nghèo và 1,56% hộ cận nghèo; có 11/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới). Đáng nói, trong năm 2021, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 180.000 người, đạt 112,2% kế hoạch; hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 5 triệu lượt người... Kết quả này cho thấy, thời gian qua, thành phố đã triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, đặc biệt là ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù của Thủ đô nhằm chăm lo, hỗ trợ người có công, người nghèo, cận nghèo, các đối tượng yếu thế, bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tạo điểm tựa an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô là một trong những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu trên.

Trước mắt, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố cần triển khai thực hiện tốt Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 8-9-2021 của UBND thành phố thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố, các cấp, ngành và mỗi địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững. Đồng thời cần thường xuyên rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người dân, để giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, các cấp, ngành cần chú trọng đến công tác dạy nghề, giải quyết việc làm gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Song song đó là đa dạng hóa các nguồn lực huy động, đẩy mạnh xã hội hóa, ưu tiên dành các nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số...

Về phía các địa phương, cùng với việc rà soát, nắm bắt tình hình, đời sống hộ nghèo, cận nghèo..., cần linh hoạt triển khai hình thức hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh phù hợp với từng gia đình theo hướng khơi dậy, phát huy sức mạnh nội lực. Đồng thời, tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, các chương trình tín dụng chính sách xã hội, qua đó giúp họ tự tạo việc làm, mang lại thu nhập.

Đối với các hộ nghèo, người nghèo, cần tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ để tạo sinh kế ổn định, từng bước nâng cao chất lượng đời sống, thoát nghèo bền vững.

Triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo điểm tựa an sinh vững chắc, tin tưởng rằng chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô sẽ ngày càng được nâng cao hơn nữa.

Hoàng Hà