Một năm bận rộn
Thể thao - Ngày đăng : 05:27, 09/01/2022
Thể thao Việt Nam có mục tiêu khác nhau với hai giải đấu nói trên. Với SEA Games lần thứ 31, mục tiêu tối thiểu không có gì khác hơn là một vị trí trong top 3 quốc gia dẫn đầu; cố gắng tận dụng cơ hội được thi đấu trên sân nhà để giành vị trí thứ nhất toàn đoàn, điều mà chúng ta đã làm được tại SEA Games năm 2003 với tư cách quốc gia đăng cai tổ chức.
Bóng đá Việt Nam cũng có một năm bận rộn, bao gồm cả các đội tuyển nam và nữ. Với tư cách đương kim vô địch SEA Games, lại được chơi trên sân nhà, đội tuyển U23 sẽ phải đối diện với sức ép từ mục tiêu không thể khác là giành Huy chương Vàng SEA Games 31. Bên cạnh đó, các nam tuyển thủ bóng đá trẻ còn phải chuẩn bị cho vòng chung kết giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2022 (dự kiến diễn ra vào tháng 6, tại Uzbekistan, với sự tham gia của 16 đội). Đáng chú ý là đội tuyển bóng đá nam quốc gia sẽ phải dốc toàn lực để hoàn thành mục tiêu “có điểm” trong 4 trận đấu cuối của vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, trước mắt là 2 trận đấu trong tháng 1-2022 (gặp đội tuyển Australia trên sân khách và tiếp đội tuyển Trung Quốc trên Sân vận động Quốc gia (Hà Nội). Với bóng đá nữ, đội tuyển Việt Nam hướng tới mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch tại SEA Games 31…
Với thể thao Việt Nam, mục tiêu và kế hoạch hoạt động nói trên không phải là quá sức, nhưng các nhà quản lý thể thao, HLV, VĐV… sẽ phải hết sức thận trọng trong bối cảnh “đối thủ” lớn nhất của họ vẫn là đại dịch Covid-19 với những diễn biến khó lường. Bởi vậy, việc lập kế hoạch tập luyện, thi đấu kỹ càng, có phương án dự phòng khả thi, từng cá nhân thể hiện trách nhiệm tuân thủ yêu cầu phòng dịch ở mức cao nhất là điều kiện hàng đầu để thể thao Việt Nam có một năm thành công.