Sáng tạo hình ảnh - ngành công nghiệp văn hóa của tương lai: Không chỉ mở ra cơ hội nghề nghiệp cho người trẻ

Văn hóa - Ngày đăng : 05:44, 09/01/2022

(HNMCT) - Sự phát triển như vũ bão của công nghệ có thể “xóa sổ” một số ngành nghề lâu đời nhưng đồng thời mở ra cơ hội cho những ngành nghề mới phát triển. Công nghiệp hình ảnh là một khái niệm còn mới mẻ ở Việt Nam dù những ngành trong nội hàm của nó (truyện tranh, hoạt hình, video games) đã có những bước phát triển nhất định. Trong xu hướng nghe nhìn ngày một chiếm ưu thế thì việc phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam dựa trên một hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh là hết sức quan trọng.

Độc giả trẻ hào hứng đón nhận những sản phẩm văn hóa đậm chất Việt Nam như “Long Thần Tướng”, “Việt sử kiêu hùng”, “Thần tích”.

Gỡ bỏ rào cản tư duy cũ

Không thuộc lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, song các ngành sáng tạo hình ảnh vẫn lặng lẽ hình thành và tiến về phía trước bằng những dấu mốc đầy bất ngờ. Đó là hiện tượng của game "Flappy Bird" đã “chinh phục” nhiều người chơi trên thế giới - minh chứng qua số lượt tải về không hề nhỏ. Đó là bộ truyện tranh dã sử "Long Thần Tướng" ngay lần đầu tiên mở bán gây quỹ đã vượt kế hoạch ban đầu, sau đó liên tiếp giành các giải thưởng quốc tế. Hay một bộ phim hoạt hình ngắn "Tàn Thể: Tiền truyện” đã nhận giải Cánh diều bạc ở sân chơi mà nhiều năm qua thường chỉ có sự tham gia và nhận giải thưởng các hãng phim Nhà nước...

Tại Việt Nam, những năm gần đây nhiều studio, nhiều dự án về truyện tranh, hoạt hình, game “made in Việt Nam” đã chào đời mang đến bức tranh sáng tạo hình ảnh ngày một đa dạng hơn. Có thể kể đến Colory Animation, Comicola, Bamboo Animation, Đuốc Mồi... Trên một số nền tảng chuyên về truyện tranh, hoạt hình, mini game, có thể nhận ra một cộng đồng khá đông người đam mê đang hoạt động sôi nổi, cả trong vai trò tác giả, người xem, người chơi hay những bạn trẻ đang tìm hiểu và học hỏi để có thể dấn bước trên con đường sáng tạo hình ảnh, biến đam mê thành sự nghiệp riêng. Nếu trước đây nhắc đến truyện tranh, hoạt hình hay video games thường khiến người ta nghĩ đến những kênh giải trí của trẻ em, thì giờ đây, ranh giới về đối tượng khán giả, người chơi đã bị xóa nhòa khi các ngành sáng tạo hình ảnh này ngày càng thu hút công chúng với nội dung đa dạng, phong phú. Truyện tranh hay hoạt hình đã không còn là “đặc quyền” thuộc về trẻ em khi nhiều tác phẩm trong đó bắt đầu mang những câu chuyện, đời sống của người trưởng thành, được dán nhãn tuổi ngay từ trang bìa.

Nhiều studio, nhiều dự án về truyện tranh, hoạt hình, game “made in Việt Nam” đã chào đời mang đến bức tranh sáng tạo hình ảnh ngày một đa dạng hơn.

Không chỉ “gỡ bỏ” tư duy đầy định kiến là truyện tranh, hoạt hình chỉ dành cho trẻ em, đội ngũ sáng tạo hình ảnh đương thời còn mang đến một cái nhìn mới hơn và nghiêm túc hơn, bao dung và khích lệ hơn, của những người lớn tuổi hơn cho ngành nghề này. Như họa sĩ Thành Phong, tác giả của một số đầu truyện tranh ăn khách, đã khẳng định rằng, hiện anh có thể sống thoải mái bằng chuyên môn của mình.

Lâu nay, trong tư duy của nhiều người Việt, truyện tranh hay game chỉ để giải trí tức thời, thậm chí còn coi đó là thứ vô bổ, tốn thời gian và tiền bạc. Đa phần phụ huynh không bằng lòng cho con em mình theo ngành nghề đầy mơ hồ, không có tương lai này. Và sự quan tâm, đầu tư của xã hội cũng như các cơ chế chính sách khuyến khích cho sự phát triển của ngành này hiện vẫn còn ít ỏi. Nhận thức của thị trường cũng là sự tác động qua lại đem đến thành công hay không cho ngành nghề sáng tạo hình ảnh. Thực tế, mảnh đất của sáng tạo hình ảnh còn rất nhiều tiềm năng để khai phá, đặc biệt là khi nhu cầu giải trí của con người ngày càng tăng, và độc giả trẻ Việt thì luôn sẵn sàng đón nhận những sản phẩm văn hóa đậm chất Việt Nam như “Long Thần Tướng”, “Việt sử kiêu hùng”, “Thần tích”...

Kiến tạo hệ sinh thái hình ảnh

Trước đây, những cá nhân, đơn vị làm truyện tranh hay hoạt hình thường chỉ thực hiện các sản phẩm đơn lẻ. Một tác phẩm bán chạy, thu hút được lượng lớn người mua, người xem đã được coi là thành công. Song, nếu chỉ như vậy thì sẽ không kích thích nhu cầu tiêu dùng của người đọc, người xem, không thu hút họ tiếp tục thường xuyên quan tâm, cũng không mở ra thêm cơ hội phát triển cho chính đội ngũ tác giả, nhà sản xuất. Giờ đây, từ một tác phẩm gốc có thể mở ra cả một hệ thống sản phẩm phái sinh sau đó.

Vẫn là tác phẩm truyện tranh ấy, các đơn vị có thể cho ra mắt ở nhiều phiên bản như bản thông thường, bản đặc biệt, các mini game, hoạt hình, hay thậm chí chuyển thể điện ảnh. Đi kèm với đó là các vật phẩm như bưu thiếp, kẹp sách, tượng nhân vật, các đồ dùng hay lưu niệm in hình ảnh hay nhân vật trong truyện. Chỉ từ một tác phẩm ban đầu, cả một hệ sinh thái bao gồm những sản phẩm xoay quanh tác phẩm gốc sẽ ra đời, từ đó giúp người nghệ sĩ hoàn toàn có thể sống tốt với nghề và tiếp tục tập trung cho công việc sáng tác.

Song, hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh không chỉ có vậy. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc VICAS Arts Studio, Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Khi tôi kết thúc nghiên cứu về game thì một trong những điều tôi rút ra được từ nghiên cứu của mình là: Không phải những ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo như trước nay chúng ta nghĩ rằng có lợi thế, mà chính ngành game có thể có đóng góp lớn - nhanh - mạnh hơn rất nhiều so với một số ngành công nghiệp văn hóa truyền thống”. Bà Hà cũng cho rằng, điểm cốt lõi trong phát triển các ngành sáng tạo hình ảnh ở Việt Nam là từ khóa “hệ sinh thái”: “Cá nhân tôi cho rằng, hiện nay, chúng ta chưa có một hệ sinh thái hỗ trợ cho sự phát triển các ngành công nghiệp hình ảnh ở Việt Nam”.

Với hệ sinh thái cho sự phát triển các ngành sáng tạo hình ảnh, còn phải kể đến hệ thống chính sách, nguồn tài trợ, quỹ đầu tư, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, mạng lưới đào tạo... Quan trọng hơn còn là việc thiết lập một sự kết nối giữa ngành công nghiệp với chính sách và khu vực đào tạo. Điều này hiện vẫn còn thiếu và yếu ở Việt Nam. Tại cuộc hội thảo trực tuyến Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh (AVGC) tại Việt Nam được tổ chức gần đây, ông Frédéric Cros, Giám đốc điều hành Pôle Image Magelis - trung tâm hình ảnh nổi bật trong lĩnh vực hoạt hình, truyện tranh, game, thực tế ảo của vùng Angoulême, Pháp - đã chia sẻ về những giải pháp để xây dựng một hệ sinh thái cho ngành công nghiệp hình ảnh ở Pôle Image Magelis. Theo đó, có 3 chính sách quan trọng được áp dụng, đầu tiên là xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho các doanh nghiệp cũng như trường học. Giải pháp thứ 2, quan trọng nhất, là thiết lập mạng lưới đào tạo về tất cả các ngành hoạt họa, truyện tranh, trò chơi điện tử, quay phim, làm phim tư liệu để khi các doanh nghiệp đặt bộ máy tại đây thì cũng ngay lập tức có thể kết nối với một nguồn nhân lực dồi dào, trình độ cao, kỹ năng tốt ngay tại nơi này. Và, điểm thứ 3 là xây dựng các quỹ đầu tư hỗ trợ cho các nhà sản xuất, những người tới Angoulême để sáng tạo và thực hiện tác phẩm của mình. Hiện nay, Trung tâm Pôle Image Magelis là đại diện cho 140 công ty chuyên về hình ảnh và 12 cơ sở đào tạo.

Ông Hoàng Việt Tân, Giám đốc Học viện VTC Academy cũng cho rằng, khi nói về hệ sinh thái thì không thể bỏ qua bài toán nhân lực. Muốn có hệ sinh thái mạnh thì phải có một cộng đồng đông đảo người tham gia làm việc trong ngành. Ở Việt Nam, hiện nguồn cung nhân lực cho các ngành giải trí đa phương tiện vẫn còn chênh lệch cả về số lượng và chất lượng so với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, theo ông Tân, việc tăng số lượng người biết đến các ngành sáng tạo hình ảnh cũng hết sức quan trọng. “Khi nói đến hệ sinh thái thì một trong những chất xúc tác lớn nhất là chúng ta phải có được nhận thức đầy đủ từ công chúng về ngành diễn họa nói riêng và công nghiệp hình ảnh nói chung”. Việc truyền thông để người dân, đặc biệt là các bạn trẻ biết rằng đây là những ngành có thể đem lại một sự nghiệp rõ ràng với một mức thu nhập cao và ổn định, bên cạnh sở thích và đam mê.

Điều này không chỉ mở ra những cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ, mà còn thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ sáng tạo, góp phần đưa công nghiệp văn hóa của nước nhà thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời giữ vai trò “sức mạnh mềm” quảng bá hình ảnh quốc gia, dân tộc ra thế giới.

Vân Hạ