Thành phố Hồ Chí Minh: Khai thác tiềm năng từ ''đô thị sân bay''
Kinh tế - Ngày đăng : 08:05, 10/01/2022
Chưa khai thác hết lợi thế
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho hay, quận Tân Bình nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung rất phù hợp để phát triển “đô thị sân bay”. Theo khái niệm, “đô thị sân bay” là một tiểu vùng đô thị, trong đó, khu trung tâm bao gồm sân bay và các cụm công trình đô thị với chức năng đa dạng, được quy hoạch để phát triển bền vững trong mối tương quan mật thiết với phát triển sân bay. Trong khi đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và những công trình phụ trợ gần như nằm trọn trong quận Tân Bình và chỉ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chưa đến 10km.
Tân Sơn Nhất là cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cảng hàng không này hoạt động rất nhộn nhịp và là đầu mối vận tải hàng không chính của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như một phần Đồng bằng sông Cửu Long. "Nếu phát huy được lợi thế ở nơi có khoảng 42 triệu lượt hành khách qua lại mỗi năm; nơi mà hàng chục địa phương phía Nam giao thương; đồng thời, nhu cầu về dịch vụ hậu cần cho một cảng hàng không thuộc diện lớn ở châu Á hoạt động bận rộn suốt ngày đêm, sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển đô thị quanh sân bay", ông Nguyễn Thanh Nhã khẳng định.
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Đỗ Nguyên Phong, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố, thực tế, địa phương chưa khai thác hết lợi thế này. Khái niệm về “đô thị sân bay” gần như không tồn tại hoặc rất mờ nhạt. Vì thế, các chức năng khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hầu như chỉ đơn thuần là khu dân cư và một số tuyến đường kết nối, chủ yếu phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Còn Tiến sĩ Võ Kim Cương, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố cho rằng, trong định hướng và chiến lược phát triển quận Tân Bình đến năm 2040, thành phố Hồ Chí Minh chỉ xác định tương tự như các quận khác trên địa bàn mà chưa có một đề án chi tiết nào để khai thác hết tiềm năng, lợi thế quận có cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước.
Trong khi đó, về phía người dân, ông Hoàng Viết Hải (hẻm 29 đường Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình) chia sẻ, ông không rõ khái niệm "đô thị sân bay" là thế nào, lợi thế ra sao. "Hiện tại, vào những dịp cao điểm, các tuyến đường xung quanh sân bay đều tắc. Tôi cảm thấy không thoải mái về vấn đề này".
Cần tầm nhìn và quy hoạch đồng bộ
Theo kiến trúc sư Đỗ Nguyên Phong, cần phát triển quận Tân Bình gắn với “đô thị sân bay” Tân Sơn Nhất. Trong đó, phải phát triển đồng bộ hệ thống giao thông gắn kết với đầu mối sân bay và chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất từ đất quốc phòng sang đất dân dụng để mở rộng sân bay, tạo nền tảng hạ tầng phát triển mô hình "đô thị sân bay".
Trước vấn đề đặt ra, Bí thư Quận ủy quận Tân Bình Lê Hoàng Hà cho biết, thời gian tới, quận sẽ rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình cụ thể để thực hiện thí điểm mô hình “đô thị sân bay”. Theo đó, các quy hoạch phát triển sẽ lấy cảng hàng không làm trung tâm, từ đó đề xuất thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho quận điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng diện tích thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí, ẩm thực…, xung quanh khu vực cảng hàng không.
Khẳng định thêm điều này, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho hay, Sở sẽ cùng quận Tân Bình và các quận xung quanh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đánh giá lại tiềm năng phát triển đô thị gắn với động lực phát triển từ cảng hàng không. Đồng thời, bổ sung một số chức năng đô thị cho khu vực lân cận như các quận Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp; điều chỉnh quy hoạch, gia tăng chỉ tiêu xây dựng, dân số…, để cải thiện bộ mặt đô thị, tạo điều kiện cho địa phương phát triển dịch vụ, logistics. Những định hướng phát triển này sẽ được Sở đề xuất bổ sung vào quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị thành phố cho rằng, dù quỹ đất quanh cảng hàng không còn rất ít, nhưng vẫn có cơ hội để hình thành và phát triển mô hình "đô thị sân bay" với quận Tân Bình và thành phố Hồ Chí Minh. "Nếu tận dụng tốt việc quy hoạch xây mới nhà ga T3 và hệ thống hạ tầng quanh đó, sẽ tạo tiền đề hình thành "đô thị sân bay" với quy mô đạt mức 60-70% đô thị sân bay Changi ở Singapore", Tiến sĩ Lương Hoài Nam nói.