Tập trung tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 12:36, 10/01/2022
Hạn chế “chảy máu” nguồn lực đất đai
Một trong những nội dung quan trọng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu là việc Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở). Nội dung này được đề xuất sửa đổi theo hướng quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật: Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.
Dành toàn bộ thời gian phát biểu để phân tích về đề xuất trên, đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Đoàn Đắk Lắk) đánh giá cao việc Chính phủ đề nghị sửa quy định, vì thực tế cho thấy, do không có mét vuông đất ở nào nên “đấu giá không được mà đấu thầu không xong”, khiến hàng loạt dự án sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại không triển khai được và Nhà nước cũng không thể thu hồi.
Theo đại biểu Ngô Trung Thành, cần xem xét thấu đáo, đánh giá kỹ tác động, nhất là những tiêu cực có thể xảy ra. “Theo dự thảo trên dẫn đến chênh lệch địa tô cơ bản thuộc về chủ dự án là không hợp lý. Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước cho phép chuyển đổi làm cho giá trị đất tăng lên rất lớn thì chênh lệch địa tô cơ bản phải thuộc Nhà nước, thuộc về nhân dân. Sửa theo hướng trên có thể giải thoát cho dự án nhưng lợi cho chủ dự án, cho người gom đất, còn Nhà nước sẽ “chảy máu” nguồn lực đất đai”, đại biểu nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) thực chất là mở rộng quyền cho người sử dụng đất hợp pháp, giải quyết nhanh việc công nhận chủ đầu tư nhưng hậu quả có thể gây ra thất thoát. “Khi được công nhận chủ đầu tư và thực hiện thủ tục chuyển đổi sử dụng đất thì chỉ cần trả khoản tiền bằng cách lấy giá đất trong bảng giá nhân hệ số K thì dù có chuyển đổi đất giữa hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) hay trên đường Nguyễn Huệ (thành phố Hồ Chí Minh) cũng chỉ 312 triệu đồng/m2, sẽ gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước”, đại biểu phân tích và đề nghị cân nhắc nếu sửa thì phải ghi cụ thể tính tiền đất theo giá thị trường.
Trong phiên thảo luận, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư khi đánh giá cao việc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Đại biểu cho rằng, việc phân cấp cho chính quyền địa phương cần xem xét một cách tổng thể nhằm bảo đảm tính khả thi. Bởi thực tế cho thấy, HĐND cấp huyện, cấp xã không đủ năng lực trong việc quyết định chủ trương đầu tư, bởi không có bộ máy chuyên môn để thẩm định như cấp tỉnh.
Tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy đầu tư
Thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật sửa đổi chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn tới tùy tiện trong áp dụng. Vì vậy, đại biểu kiến nghị quy định cụ thể 3 nội dung sau: Thứ nhất, cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào mà thành phần kinh tế tư nhân có thể được tham gia đầu tư xây dựng quản lý vận hành, chủng loại nào do nhà nước quy hoạch và chỉ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện. Thứ hai, cần quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư. Thứ ba, quy định cụ thể về trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm của nhà đầu tư. Đại biểu cũng lo ngại việc tư nhân hóa có thể tác động đến giá điện, khiến giá điện có thể rất cao. Vì vậy, cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, tránh ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Tiếp thu giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến đầu tư lần này là khơi thông điểm nghẽn nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng giải trình các lý do cũng như căn cứ pháp luật về việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).
“Đây là một vấn đề lớn và khó nếu không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến khơi thông nguồn lực đất đai, ngược lại nếu không làm chặt chẽ thì hậu quả sẽ xảy ra vì liên quan đến nhiều chính sách pháp luật. Vì thế, chúng tôi đề xuất 2 phương án, thứ nhất là rà soát lại các nội dung liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như các quy định liên quan để bảo đảm không bị thất thoát nguồn lực đất đai. Thứ hai là theo kiến nghị của Ủy ban Pháp luật, xây dựng một đề án riêng để áp dụng việc sử dụng hình thức sử dụng đất khác, không phải đất ở để trình kỳ họp thứ ba của Quốc hội”, Bộ trưởng nêu.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình làm rõ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội về một số bất cập liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Điện lực và Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể đó là các vấn đề liên quan đến bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư số 65/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).
“Chính phủ đặt vấn đề chỉ sửa khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, không đụng gì đến các quy định liên quan, như việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hay tài chính đất đai của nhà đầu tư. Mục tiêu quan trọng là xử lý các vướng mắc cho nhà đầu tư khi sửa đổi điều khoản này; đồng thời phù hợp với quy hoạch sử dụng đất”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận này đã có 31 đại biểu phát biểu ý kiến, 9 đại biểu tranh luận. Trong phiên thảo luận tổ cũng đã có 273 lượt đại biểu phát biểu ý kiến, trong đó đa số ý kiến nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung dự thảo luật để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc có tính cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần cân nhắc việc ban hành luật, rồi đánh giá kỹ các tác động của văn bản pháp luật về cơ sở pháp lý, thực tiễn triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội để xây dựng báo cáo tiếp thu giải trình, đồng thời hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua.