Thiếu chế tài quản lý thuốc lá “thế hệ mới”
Đời sống - Ngày đăng : 07:58, 11/01/2022
Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có mức tiêu thụ cao nhất
Cùng với các tổn thất về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây ra các gánh nặng về kinh tế không chỉ cho người sử dụng mà còn cho cả gia đình họ và xã hội.
Theo điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trong số 25 bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 24.000 tỷ đồng/năm. Việt Nam hiện vẫn đang là 1 trong 15 quốc gia có mức tiêu thụ thuốc lá cao nhất thế giới.
Ngoài thuốc lá điếu, nhiều loại hình thuốc lá mới đã xuất hiện theo sự phát triển của công nghệ, như thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm, thuốc lá làm nóng, thuốc lá nung nóng được đưa vào Việt Nam thông qua buôn lậu trái phép hoặc nhập khẩu theo đường xách tay. Tình trạng nhập lậu ngày càng đáng báo động trong khi các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý vì sản phẩm này chưa xuất hiện trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào, chỉ gộp chung vào loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Phải có chế tài quản lý
Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, Việt Nam đang quản lý các sản phẩm thuốc lá bằng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ban hành 2012. Vào thời điểm ban hành luật, chưa có thuốc lá “thế hệ mới” tại thị trường Việt Nam nên các sản phẩm này không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên cho biết thêm, mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới như như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản... có công nhận thuốc lá “thế hệ mới” không an toàn và không dùng để cai thuốc lá điếu, nhưng các nước này vẫn đưa vào quản lý và khuyến khích các giải pháp thay thế hơn là để người hút thuốc tiếp tục với thuốc lá điếu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng công nhận là sản phẩm gây hại nhất.
Tại Việt Nam, từ hơn 4 năm qua, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan đã thực hiện các bước để xây dựng chính sách quản lý đối với thuốc lá “thế hệ mới”. Dựa trên ý kiến của các bộ, ngành, trong đó bao gồm mối quan ngại của Bộ Y tế về tác động của sản phẩm đến sức khỏe cộng đồng, Bộ Công Thương cũng đã có những đề xuất trình Chính phủ trong thời gian qua và hướng tiếp cận mới nhất là phương án thí điểm cấp phép đối với thuốc lá làm nóng - sản phẩm thuốc lá “thế hệ mới” có thành phần là thuốc lá.
Từ góc độ quản lý nhà nước của ngành Hải quan, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát về hải quan (Tổng cục Hải quan) khẳng định, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thuốc lá “thế hệ mới” để phục vụ hoạt động kinh doanh tiêu dùng trong nước và bán tại các cửa hàng miễn thuế phục vụ hành khách xuất nhập cảnh là có thật. Ông Tám cũng đồng tình là Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã rà soát và tạo ra một nhóm mới trong danh mục, trong đó đưa sản phẩm không đốt cháy (bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các sản phẩm nicotin ngậm hoàn toàn tách biệt so với nhóm của các loại thuốc lá truyền thống hiện nay.
Tại tọa đàm về “Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới” được Báo Pháp luật Việt Nam vừa tổ chức, ông Vũ Đức Nam - Phó Trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Nhu cầu quản lý thuốc lá “thế hệ mới” là cần thiết và nhiệm vụ này cũng đã kéo dài trong nhiều năm qua, do vậy cần sớm có câu trả lời cho Chính phủ cũng như cộng đồng. Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý riêng đối với các loại hình thuốc lá “thế hệ mới”, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế. Theo đó, trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các bộ, ngành liên quan vào cuối tháng 9-2021, Bộ Công Thương đã có báo cáo về việc đề xuất thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng.
Bên cạnh đó, theo các đại biểu, nhu cầu về khung pháp lý nhằm kiểm soát những sản phẩm thuốc lá “thế hệ mới” là rất cấp thiết, nhằm giúp cho các cơ quan chức năng có đủ chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội. Chúng ta đã có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng lại chưa được áp dụng một cách triệt để. Trước những thực tiễn cấp thiết như hiện nay, chúng ta cần khẩn trương đưa ra một lộ trình thích hợp để có thể đẩy nhanh tiến trình quản lý. Việc sớm đưa các sản phẩm thuốc lá “thế hệ mới” chịu sự kiểm soát chính là góp phần chống lại việc bình thường hóa sử dụng mọi loại sản phẩm thuốc lá cũng như ngăn chặn tình trạng phạm tội ngày càng tăng của những tổ chức, cá nhân buôn lậu.