Để lành mạnh cung - cầu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 13/01/2022
“Điểm sáng” của thị trường bất động sản năm 2021 là khả năng phục hồi khá nhanh bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngay sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản “sôi động” trở lại, xu hướng tìm kiếm bất động sản trên các ứng dụng trực tuyến những tháng cuối năm tăng 55% so với 8 tháng đầu năm. Lý giải cho sự phục hồi này là nhu cầu mua nhà trên thị trường khá lớn, đặc biệt sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều lĩnh vực kinh tế sa sút, bất động sản trở thành kênh đầu tư hấp dẫn có khả năng sinh lời cao.
Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy bất cập của thị trường là nguồn cung giảm sút mạnh, thiếu vắng phân khúc sản phẩm nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp vốn chiếm nhu cầu rất lớn. Vì vậy, khả năng mua bán nhà ở để đầu cơ là chính, trong khi sở hữu do nhu cầu sử dụng thực chiếm số ít. Đây cũng là vấn đề đã được chỉ ra nhiều năm nay, cùng với tình trạng lợi dụng thông tin quy hoạch và thiếu nguồn cung để “thổi giá”, dẫn đến những “cơn sốt” đất.
Tổng hòa các vấn đề, có thể nói, thị trường bất động sản có sự phát triển, nhưng thiếu sự bền vững và chưa thực sự lành mạnh.
Thực ra, câu chuyện của thị trường bất động sản không mới, mà nguyên nhân sâu xa là thị trường vẫn trong quá trình hình thành, còn thiếu hành lang pháp lý hoặc cơ chế chính sách còn chưa phù hợp. Vì vậy, cung - cầu mất cân đối hay “thổi giá”, đầu cơ gây mất ổn định thị trường vẫn chưa được kiểm soát.
Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, trước hết cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý. Hành lang pháp lý này phải tạo sự thuận lợi để phát triển nhanh và đa dạng nguồn cung theo tín hiệu của thị trường; đồng thời có sự điều tiết, can thiệp nhằm bảo đảm mục tiêu cải thiện nơi ở cho nhóm yếu thế trong xã hội.
Mặt khác, thị trường bất động sản liên thông với nhiều ngành khác (như ngân hàng cung ứng vốn, sản xuất vật liệu, lao động…), nên các chính sách cũng phải có “liều lượng” phù hợp, vừa kích thích thị trường bất động sản nói riêng, vừa tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung, tránh gây ra bất ổn và đổ vỡ thị trường cũng như kinh tế vĩ mô.
Những năm qua, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển nhà ở. Đây là nền tảng để các địa phương ban hành kế hoạch phát triển nhà ở tại địa phương, tránh tình trạng “đầu cơ”, phát triển lệch lạc. Tuy nhiên, đi cùng với đó cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm các dự án được cấp phép đúng định hướng, trường hợp thực hiện không đúng giấy phép được cấp phải xử lý nghiêm.
Minh bạch thông tin có tính “nhạy cảm” ảnh hưởng đến thị trường, như quy hoạch, sáp nhập hay mở rộng địa giới hành chính… cũng là cách hạn chế tình trạng lợi dụng “thổi giá”, gây nhiễu loạn thị trường.
Năm 2022, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, thị trường bất động sản phát triển tích cực, nhờ chính sách hồi phục kinh tế, thu hút đầu tư, hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu và nhờ lực cầu trên thị trường rất cao. Tuy nhiên, để phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững cung - cầu, cần phải giải quyết tận gốc những bất cập của thị trường bất động sản.