Vận động tranh cử Tổng thống Pháp: ''Cuộc đua'' sôi động
Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 14/01/2022
Kết quả “cuộc đua” vào Điện Elyseé lần này được cho là phụ thuộc vào những giải pháp mà các ứng cử viên đưa ra để giải quyết một loạt thách thức như vấn đề người nhập cư, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.
Theo kết quả thăm dò dư luận do kênh truyền hình BFM TV và L’Express công bố ngày 13-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể sẽ dẫn đầu trong vòng bầu cử đầu tiên với tỷ lệ ủng hộ ở mức 23%, giảm 3 điểm so với kết quả thăm dò cách đây 1 tuần. Đứng ở vị trí thứ 2 với 17% số phiếu ủng hộ là ứng cử viên Valerie Pecresse thuộc đảng cánh hữu có tên “Những người cộng hòa” và bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập hợp quốc gia (RN). Do không có ứng cử viên nào nổi trội, các đảng cánh tả chỉ chiếm 26% phiếu ủng hộ. Tỷ lệ này được chia cho 7 ứng viên, trong đó Jean - Luc Mélenchon đứng đầu (9%), Yannick Jadot (7%) và Anne Hidalgo (4%).
Nhiều nhà phân tích nhận định, cuộc bầu cử tới sẽ là cuộc đua tranh vô cùng quyết liệt và chiến thắng chỉ được quyết định tại vòng 2. Dù đương kim Tổng thống E.Macron có nhiều lợi thế, song tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại Pháp đang ngày càng có xu hướng trầm trọng do sự xuất hiện của biến chủng Omicron có thể ảnh hưởng tới những thành quả ông đã đạt được trong nhiệm kỳ hiện tại. Các đối thủ của Tổng thống E.Macron cũng đang tập trung khai thác điểm yếu này để giành thêm sự ủng hộ về phía mình.
“Ẩn số” khó lường nhất trên “đường đua” vào Điện Elyseé là nữ ứng cử viên V.Pecresse, 53 tuổi, Chủ tịch vùng Ile-de-France. Nhờ sự ủng hộ của gần như tất cả ứng cử viên lớn cánh hữu, uy tín của nữ chính trị gia này không ngừng tăng trong thời gian gần đây. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên tranh cử tổng thống từ đảng cánh hữu truyền thống vốn do nam giới thống lĩnh, mà một số cựu Tổng thống Pháp như Charles de Gaulle, Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy từng là thành viên.
Trong cương lĩnh tranh cử, bà V.Pecresse tuyên bố ưu tiên những vấn đề được cử tri Pháp quan tâm hàng đầu hiện nay như tăng mức lương cơ bản thêm 10%, chấm dứt chế độ làm việc 35 giờ/tuần, nâng độ tuổi về hưu lên 65 tuổi, cải cách bảo hiểm thất nghiệp, tinh giảm đội ngũ viên chức nhà nước cũng như khôi phục vị thế của nước Pháp trên trường quốc tế.
Dù là người đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận nhưng đến nay, Tổng thống Pháp E.Macron vẫn chưa có bất kỳ động thái hay tuyên bố nào liên quan đến cuộc bầu cử. Lịch làm việc của Tổng thống Pháp vẫn dày đặc các hoạt động nhưng tập trung chủ yếu cho việc xử lý cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 và thúc đẩy các ưu tiên đối ngoại khi Pháp đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu trong nửa đầu năm 2022.
Các nhà phân tích cho rằng, ông E.Macron sẽ gặp không ít thách thức để tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 2 khi yếu tố “mới và bất ngờ” không còn nữa, nhất là khi những khó khăn do dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Hai năm đại dịch đã để lại hậu quả nặng nề với nước Pháp, gồm sự quá tải về tâm lý của người dân, việc làm không ổn định, lạm phát tăng vọt... Để thuyết phục được cử tri, “ông chủ” Điện Elyseé phải tiếp tục đưa ra được một mô hình tăng trưởng và đầu tư thuyết phục.
Nhìn vào diễn biến khó lường trên chính trường Pháp trong những năm gần đây, nhiều nhận định cho rằng, rất khó có thể đoán được “kịch bản” cuộc bầu cử sẽ diễn ra theo chiều hướng như thế nào. Tuy nhiên, dù ai là tổng thống mới của nước Pháp cũng sẽ phải đối mặt với áp lực của công việc giải quyết hậu quả dịch bệnh, nguy cơ khủng hoảng xã hội và kinh tế luôn rình rập.