Nỗ lực bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:07, 14/01/2022

(HNMO) - Năm 2021 là một năm vận hành đầy biến động của hệ thống điện quốc gia: Nhu cầu điện giảm thấp do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19; thủy văn diễn biến bất thường; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” ở khu vực miền Nam nhưng lại thiếu điện cục bộ một số khu vực tại miền Bắc vào một số thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của tất cả đơn vị thành viên, ngành điện đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nỗ lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển

Thông tin về những kết quả đạt được của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2021, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620MW, tăng gần 7.500MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW (tăng 3.420MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27,0%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Theo ông Trần Đình Nhân, năm 2021 là một năm vận hành đầy biến động của hệ thống điện quốc gia khi nhiều khu vực nhu cầu điện giảm thấp do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; thủy văn diễn biến bất thường và rất khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo (đặc biệt điện mặt trời, điện gió) tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn”, đặc biệt là vào các ngày lễ và cuối tuần ở khu vực miền Nam nhưng lại thiếu điện cục bộ một số khu vực tại miền Bắc vào một số thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè.

Tuy nhiên, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thực hiện nghiêm túc các quy định về lập lịch, huy động, vận hành và điều độ các nhà máy điện, vận hành tối ưu trong thời gian thực các nguồn điện tái tạo, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch. Mặc dù phụ tải thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo, EVN vẫn bảo đảm vận hành thị trường điện bán buôn cạnh tranh (VWEM) liên tục, ổn định. Hiện tại, có 104 nhà máy điện tham gia trực tiếp trong thị trường điện với tổng công suất 27.957MW, chiếm 36,5% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

Một khó khăn nữa trong công tác phát triển nguồn điện, theo ông Trần Đình Nhân là ở công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư. Điều này khiến công tác chuẩn bị đầu tư dự án thường bị chậm.

Một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận vị trí trạm, hướng tuyến đường dây hoặc phải điều chỉnh tuyến nhiều lần do không được người dân ủng hộ hoặc để phù hợp với quy hoạch khác tại địa phương; các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cho vay lại chưa được quy định rõ làm các cơ quan nhà nước rất lúng túng trong việc xử lý, gây chậm tiến độ dự án, đơn cử như dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III...

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng năm qua, nhờ đẩy mạnh các giải pháp quản lý chất lượng công trình xây dựng thông qua các công cụ như phần mềm đầu tư xây dựng và các ứng dụng giám sát thông minh, EVN đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Năm 2021, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 256,7 tỷ kWh (tăng 3,9% so với năm 2020); công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống là 43.518MW (tăng 11,3%); điện sản xuất và mua của EVN là 246,21 tỷ kWh (tăng 3,25% so với năm 2020)...

“Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”

Đó là chủ đề của năm 2022 của EVN. Theo ông Trần Đình Nhân, đây là năm có ý nghĩa quan trọng, trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong năm mới, ngành điện dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thách thức khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; nhu cầu điện tăng trưởng không cao trong khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn; biến động khó dự báo, như giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ…

Tuy nhiên, ngành điện sẽ tập trung mọi nỗ lực bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt; bảo đảm kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững.

EVN đặt ra chỉ tiêu sản lượng điện thương phẩm năm 2022 là 242,35 tỷ kWh, tăng trưởng 7,6% so với năm 2021; kế hoạch vốn đầu tư toàn tập đoàn là 96.500 tỷ đồng; thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm (chỉ số SAIDI) không quá 333 phút…

Để thực hiện điều này, EVN đã đề ra 10 giải pháp cụ thể trong năm 2022, như vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân; bảo đảm tiến độ, chất lượng đầu tư các dự án nguồn và lưới điện; triển khai đồng bộ nhóm các giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ…

Đặc biệt, trong công tác chuyển đổi số, EVN đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, ngành điện kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải cấp thiết vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh để EVN và các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện.

Hằng năm, EVN và các đơn vị thành viên đầu tư mới khoảng 1.000 dự án nguồn và lưới điện, do dó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai, EVN kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phân cấp thẩm định các bước thiết kế đối với dự án nhóm B, công trình cấp II trở xuống cho tập đoàn, tổng công ty thuộc tập đoàn…

Thanh Hải