Bình tĩnh đón "Tết bình thường mới"

Góc nhìn - Ngày đăng : 13:54, 15/01/2022

(HNMCT) - Tết Nguyên đán Nhâm Dần có thể là một cái Tết khác rất nhiều so với trước. Hầu như ai cũng có thể cảm nhận được điều đó từ cuộc sống đời thường, sau những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, những cuộc trò chuyện với bạn bè hay người thân. "Tết này phiên phiến một chút thôi các con. Cho con trẻ không cảm thấy khác lạ là được rồi. Và hương khói cho ông bà nữa" - một người bạn dẫn lời "bề trên" khi nói về Tết, từ rất sớm, khi còn hơn tháng nữa mới chạm Tết Nhâm Dần 2022.

Tôi ở cái tuổi nghe "không lọt" Đen Vâu. Cớ sao những ngày này văng vẳng bên tai thứ ngôn ngữ âm nhạc như rót vào tai cảm xúc đời thường trần trụi đã được mạng xã hội đẩy thành trend "mang tiền về cho mẹ".  Không nghĩ không được khi bao người, bao gia đình khổ sở vì Covid-19. Sắp sang năm thứ ba đại dịch hoành hành, Tết năm nay đa số người lao động bình thường đã đuối rõ ràng so với giờ này một năm trước...

Chúng ta đang ở trước ngưỡng cửa một kỳ nghỉ Tết rất khác. Suy nghĩ thường trực không còn là mình được nghỉ Tết bao nhiêu ngày, mua sắm đủ đầy hay chọn điểm đến cho chuyến xuất hành đầu năm... Thay vào đó là tâm tưởng về một kỳ nghỉ an toàn cùng người thân, về hành trình trở về với gia đình, "phiên phiến thôi" để không phải đón "khách Covid" xông nhà. Bởi thế, "đem tiền về cho mẹ" chính xác hơn là một cách diễn tả tâm trạng mong ngóng trở về. Là lành lặn, suôn sẻ trở về với gia đình, người thân. Thế thôi chứ không cần khệ nệ tay xách nách mang.

Có người bảo chúng ta đang chuẩn bị tâm thế cho một kỳ "Tết thích ứng". Có nghĩa là cả quá trình chuẩn bị đón Tết, vui xuân, chúc tụng, giao lưu, gặp gỡ... đều không còn vẻ thoải mái như trước bởi rào cản vô hình với những "5K", "Covid", "F0", đến lời chúc đầu năm mới cũng có thể chuyển từ "thịnh vượng", "làm ăn bằng năm bằng mười năm cũ"... thành "an toàn vượt qua đại dịch". Xuân Nhâm Dần như thế liệu có buồn không? Chúng ta có thể vượt qua "nỗi lo Covid" để có được một kỳ nghỉ Tết thực sự ý nghĩa dù là người giàu có hay còn khó khăn?

Tôi nghĩ chúng ta sẽ vượt qua được nếu sẵn sàng tâm lý thích ứng với "Tết bình thường mới". Dịp Tết Dương lịch vừa qua tôi lên thăm người nhà ở bản Áng, Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La. Đó cũng là dịp người Mông ở Mộc Châu đón Tết cổ truyền theo phong tục của họ. "Tết Covid nên không vui bằng mọi năm, người đi mua sắm không nhiều. Nhưng lễ tục vẫn đầy đủ. Năm sau hết Covid thì vui lại thôi", bà Tình, người bản Áng nói trong bữa cơm mời khách dưới xuôi bằng giọng lơ lớ. Khi đó tôi nghĩ đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ tới sau một tháng nữa, tự hỏi liệu mình có được cách tiếp cận vấn đề "Tết Covid" nhẹ nhàng như người phụ nữ này hay không. Để bây giờ, khi nghĩ lại chuyện này, chợt nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có thể. Chỉ cần bình tĩnh, chậm lại một chút và đặt tiêu chuẩn bảo đảm an toàn lên hàng đầu. Và, phải lạc quan để giữ cho mình khỏi rơi tự do ở thời điểm thường ngẫm ngợi như năm mới. 

Chúng ta sẽ sống chậm được thôi. Kinh nghiệm từ thực tế phũ phàng suốt hai năm đã qua là bài học giúp tất cả tỉnh ngộ, rằng sự chủ quan sẽ bắt chúng ta phải trả giá đắt. Một kỳ nghỉ Tết bung tỏa "hết nấc" có thể dẫn đến cảnh học sinh tiếp tục nghỉ học nhiều ngày nhiều tháng nữa, giao thương, đi lại khó khăn hơn, nhiều người mất việc làm và nhu cầu sống hạnh phúc khó được đáp ứng trọn vẹn. Những đợt giãn cách xã hội, sự thiếu thốn và cảm giác tù túng theo đuổi suốt 2 năm qua đã giúp nhiều người biết sống chậm lại; xác định lại, rõ hơn, về những gì đem lại giá trị tích cực đích thực cho cuộc sống này. Như thế tất sẽ lược bỏ được thói quen vô nghĩa, thậm chí có hại, sống có ích hơn với mình và với người.

Xuân Nhâm Dần đang tới. Lấy niềm vui gia đình làm trọng, nghĩ tích cực hơn một chút trong bối cảnh chung còn nhiều người gặp khó khăn hơn mình để hướng tới một kỳ nghỉ Tết bình an, ý nghĩa, hướng tới một năm mới chắc chắn có nhiều điều tích cực hơn năm cũ.

HOÀNG LÊ