Đừng ''câu'' rating bằng mọi giá
Giải trí - Ngày đăng : 05:56, 16/01/2022
Năm 2014, cái tên Tịnh Thất Bồng Lai trở nên nổi tiếng khi người của cơ sở này là Lê Thanh Huyền Trân tham gia chương trình “Giọng hát Việt nhí”. Hình ảnh "bé gái mồ côi" trong trang phục tu hành có giọng hát truyền cảm đã được gameshow này xây dựng thành công, giúp cô bé đoạt giải Á quân. Năm 2017, hai gương mặt khác của Tịnh Thất Bồng Lai là Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên tham gia “Tuyệt đỉnh song ca”. Năm 2019, nhóm 5 "chú tiểu" của Tịnh thất Bồng Lai tiếp tục khiến dư luận dậy sóng với tiết mục trình diễn tại gameshow “Thách thức danh hài” và đoạt giải cao. Hình ảnh những đứa trẻ mồ côi, bị bố mẹ bỏ rơi, phải vào cơ sở thờ tự này để tu tập từ nhỏ... được khai thác thông qua các gameshow đã nhanh chóng giành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, từ đó thu hút một khoản tiền từ thiện không nhỏ từ các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, với sự thật vừa được phơi bày, không ít người đã đặt câu hỏi: Các đơn vị sản xuất gameshow liệu có vô can trong “màn kịch” mà cơ sở này dựng lên?
Có một thực tế là trong các gameshow, đời tư của người chơi càng đặc biệt càng được dư luận quan tâm. Chính vì vậy, không ít đơn vị sản xuất gameshow có dàn dựng, thêm thắt vào đời tư của người chơi, hoặc để người chơi tự đưa thông tin không chính xác lên sóng truyền hình để "câu kéo" rating (chỉ số đánh giá mức độ quan tâm của khán giả truyền hình đối với một chương trình cụ thể). Trong trường hợp này, khó có thể nói các đơn vị sản xuất gameshow là vô can bởi ở một mức độ nào đó, họ đã làm không tốt công tác xác minh thông tin. Chính điều này đã tiếp tay cho việc phát tán thông tin không chính xác đến người xem, tạo điều kiện cho cơ sở thờ tự bất hợp pháp này lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người hảo tâm.
Vẫn biết “trận chiến rating” với các nhà sản xuất gameshow là vô cùng khốc liệt, song không thể "câu kéo" rating bằng mọi giá bởi việc làm này có thể tiếp tay cho những kẻ âm mưu lừa đảo qua sóng truyền hình.