Tìm hạnh phúc trong sự cô đơn
Sách - Ngày đăng : 06:17, 16/01/2022
Nhịp sống gấp gáp khiến con người ta dễ đối diện với nỗi cô đơn. Ngay cả khi vợ chồng đến với nhau bằng tình yêu nồng thắm thời tuổi trẻ thì theo thời gian, sự xô lệch tình cảm vẫn cứ xuất hiện. Thế giới trong truyện ngắn của La Thị Ánh Hường là bức tranh phản chiếu sự xô lệch ấy. Sự cô đơn hiện hữu trong nếp nghĩ của các nhân vật. Càng suy nghĩ nhiều, càng sống tình cảm, sự cô đơn càng dâng đầy dù muốn hay không. Đó có lẽ là chiều sâu tâm lý của con người ở xã hội hiện đại giấu sau vỏ bọc của nụ cười, của sự thản nhiên mà nữ nhà văn đã tinh tế nắm bắt được.
Bằng trái tim đồng cảm của phụ nữ, La Thị Ánh Hường mang đến trong mỗi truyện ngắn một lát cắt về tình yêu, về đời sống hôn nhân, gia đình mà trong cuộc sống vô thường này, có khi chỉ từ khoảnh khắc bất chợt nào đó đã khiến cuộc đời rẽ sang một lối đi khác. Một cuộc điện thoại giữa đêm khuya, một buổi hẹn hò với bè bạn, một tin nhắn bất chợt của người cũ, hay giây phút biết mình sẽ làm mẹ... đều dẫn đến một thế giới nội tâm đầy phức tạp của các nhân vật.
Những câu chuyện của La Thị Ánh Hường được viết hết sức dịu dàng trong văn phong, đơn giản trong cốt truyện, không cầu kỳ về ngôn ngữ, cũng không nút thắt kịch tính hồi hộp nhưng mỗi câu chuyện để lại thật nhiều dư âm. Có nuối tiếc, có xa xót, cũng có hy vọng. “Cô đơn rực rỡ” khiến người đọc nhớ tới Trịnh Công Sơn. Người nhạc sĩ tài hoa ấy từng viết: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Cũng như trong nỗi cô đơn mà Ánh Hường đề cập, nếu con người ta biết bằng lòng với cách yêu cách sống của riêng mình, biết lựa chọn và sẵn sàng trả giá vì lựa chọn ấy, thì vẫn cứ nhận được những giọt nắng rực rỡ của hạnh phúc, của niềm vui.
“Cô đơn rực rỡ” là tập truyện thứ 7 của La Thị Ánh Hường sau 4 năm yên tiếng. Trước đó, chị đã có các tập truyện ngắn như “Ngoan nào, anh sẽ luôn bảo vệ em (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2013), “Ô mai ướp nắng” (NXB Dân Trí, 2017). Sinh ra và lớn lên tại Kiên Giang, đến năm 14 tuổi, Ánh Hường theo gia đình chuyển lên sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Từ đây, cô gái sinh năm 1981 ấy có nhiều điều kiện đọc sách và gắn bó với văn chương. Đối với Ánh Hường, văn chương như người bạn chân thành luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ nỗi niềm trong cuộc sống đời thường cũng như những cảm xúc tận sâu trong đáy lòng.
Từ khi còn là sinh viên ngành Ngữ văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Ánh Hường đã có nhiều truyện ngắn đăng báo. Năm 2001, khi 20 tuổi, Ánh Hường đã cho ra mắt tập truyện ngắn “Người nổi tiếng”. Sau đó đều đặn là các tập “Vụng dại tuổi 17” năm 2003, “Như áng mây chiều” năm 2005, “Những kẻ lãng mạn” năm 2008. Ngoài ra còn nhiều truyện ngắn in chung với một số tác giả khác. Trong cuốn sách mới đây nhất, La Thị Ánh Hường đã chia sẻ với độc giả: “Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi cơ hội đến với thế giới văn chương nhiều màu sắc; ở đó tôi đã gặp được những nhân vật thật thú vị của mình”. Văn chương giúp Ánh Hường cân bằng lại cuộc sống, để những lúc gặp chuyện không vui, hay những khi có khó khăn, trắc trở, chỉ cần ngồi trước trang viết là chị lại tìm được cảm xúc tích cực. Cũng giống như độc giả của chị, khi đọc những câu chuyện đầy cô đơn, hoang hoải mang thương hiệu truyện ngắn “La Thị Ánh Hường” lại tìm thấy nét rực rỡ ở bên trong để lấp đầy sự chống chếnh, vướng mắc...
Từ khi còn là sinh viên ngành Ngữ văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Ánh Hường đã có nhiều truyện ngắn đăng báo. Năm 2001, khi 20 tuổi, Ánh Hường đã cho ra mắt tập truyện ngắn “Người nổi tiếng”. Sau đó đều đặn là các tập “Vụng dại tuổi 17” năm 2003, “Như áng mây chiều” năm 2005, “Những kẻ lãng mạn” năm 2008. Ngoài ra còn nhiều truyện ngắn in chung với một số tác giả khác.