“Lá chắn” bảo vệ sản xuất trong nước

Kinh tế - Ngày đăng : 06:28, 16/01/2022

(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, cạnh tranh tăng cao, các biện pháp phòng vệ thương mại là “lá chắn” bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Song bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng cần chủ động theo dõi tình hình, nắm bắt quy định về các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền hợp pháp của mình.

Nhờ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm mía đường nhập khẩu giúp bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong ảnh: Đóng gói đường tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang).       Ảnh: Quốc Việt

Từ câu chuyện của ngành mía đường

Năm 2020, Việt Nam bắt đầu thực thi cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN đối với ngành mía đường, với thuế nhập khẩu giảm còn 5%. Cũng từ đó, đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó chủ yếu từ Thái Lan, tăng nhanh chóng. Năm 2020, nhập khẩu đường từ Thái Lan đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 330% so với năm 2019. Đường nhập khẩu giá rẻ chiếm lĩnh thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất trong nước. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc, năm 2020, 11 nhà máy đường trong nước buộc phải đóng cửa. Trong 30 nhà máy đường còn hoạt động có tới 17 nhà máy bị thua lỗ, kéo theo khoảng 3.300 lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng, diện tích trồng mía cũng thu hẹp đáng kể.

Trước những dấu hiệu cho thấy đường Thái Lan bán phá giá, 6 nhà máy đường phối hợp cùng đại diện là Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan. Sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, ngày 15-6-2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng mức thuế phòng vệ thương mại là 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam. Lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan ngay sau đó đã giảm tới 75%.

Có thể nói, vụ việc trên là điển hình của sự chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung, việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, với các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu nhiều nhóm hàng đã khiến mức độ cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước tăng cao. Song, hành vi cạnh tranh không công bằng, bán phá giá gây thiệt hại cho sản xuất trong nước cũng xuất hiện.

“Tổ chức Thương mại thế giới cho phép các quốc gia thành viên được sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để đưa ra những biện pháp ngăn ngừa và hạn chế những hành vi cạnh tranh không công bằng. Những biện pháp này bao gồm: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ, được thực hiện thông qua quy trình điều tra kỹ lưỡng. Từ kết quả điều tra, nước nhập khẩu có quyền áp dụng mức thuế suất cao hơn nhằm bảo đảm hàng hóa nhập khẩu đúng mức giá thực tế và cạnh tranh công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước”, ông Chu Thắng Trung chỉ rõ.

Đến việc chủ động theo dõi, nhận biết tình hình

Ngoài mặt hàng đường, tính đến nay, Bộ Công Thương đã điều tra 25 vụ việc phòng vệ thương mại với các sản phẩm như: Thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, nhôm... Trong đó, có 15 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ, 1 vụ việc chống trợ cấp, 2 vụ việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại... Riêng trong năm 2021, Cục Phòng vệ thương mại đã đưa ra kết luận điều tra 5 vụ việc, tiếp tục điều tra 3 vụ việc, rà soát thường kỳ và cuối kỳ 6 vụ việc. Việc triển khai hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại không chỉ bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước (theo số liệu năm 2019 chiếm gần 6% Tổng sản phẩm nội địa), mà còn giữ việc làm cho khoảng 150.000 lao động thuộc nhiều ngành nghề. Trong dài hạn, các biện pháp này còn giúp các ngành sản xuất chống chịu tốt hơn trước các tác động từ bên ngoài.

Bộ Công Thương dự báo, hành vi vi phạm các nguyên tắc thương mại công bằng có xu hướng ngày càng tinh vi, đa dạng. Do vậy, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, nắm bắt rõ quy định về các biện pháp phòng vệ thương mại và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để ứng phó kịp thời, bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) Nguyễn Hồng Minh cho biết: "Từ bài học của ngành mía đường vừa qua, chúng tôi xác định luôn phải cập nhật thông tin và nhận biết sớm dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh để kịp thời đề xuất với Nhà nước, đưa ra những biện pháp phòng vệ thương mại thích hợp, bảo đảm cạnh tranh công bằng".

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Phạm Châu Giang thông tin, Bộ Công Thương đang hoàn thiện khung khổ pháp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ phòng vệ dễ dàng hơn; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng vệ thương mại; tăng cường đào tạo cho các ngành hàng; nâng cao năng lực cho các trường đại học, viện nghiên cứu - nơi đào tạo đội ngũ luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý và tăng cường đối thoại với các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam.

Lam Giang