Khẳng định vai trò “đầu tàu” kết nối, tiêu thụ hàng hóa

Kinh tế - Ngày đăng : 07:26, 16/01/2022

(HNM) - Với vai trò là “đầu tàu” kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, những năm gần đây, Hà Nội là “điểm đến” của các loại hàng hóa - đặc biệt là nông sản, đặc sản của các tỉnh, thành phố. Từ đây, các sản phẩm hàng hóa, nông sản Việt từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Các hoạt động kết nối giúp hàng hóa nông sản các tỉnh, thành phố đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô.

Những ngày cuối tháng 11-2021, tại khuôn viên siêu thị Big C Thăng Long (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) đã diễn ra “Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội năm 2021”. Với quy mô 45 gian hàng, Tuần hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản vùng miền, nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP… của Hà Nội và các tỉnh, thành phố như cam, bưởi, quýt của các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Lào Cai; sản phẩm nông sản, rau, củ từ Hải Dương, Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn… Các sản phẩm tham gia đều phải bảo đảm về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc theo quy định.

Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế ALPHARCO Hoàng Ngọc Chiến chia sẻ, đây là năm thứ 4 chúng tôi mang đến 37 mặt hàng là dược phẩm và thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên để tham gia các sự kiện do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Việc Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện kích cầu tiêu dùng tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa sản phẩm chất lượng cao đến với người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp các địa phương trong và ngoài thành phố.

Là một trong những đơn vị thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của Sơn La nói chung và Tuần hàng trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Sen - thành viên Hợp tác xã Hưng Thịnh (tỉnh Sơn La) cho biết: “Các nông sản của hợp tác xã được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng hữu cơ và một số sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao của tỉnh như bưởi da xanh, quýt Mường Cơi, táo đại. Tham gia chương trình của Sở Công Thương Hà Nội đã giúp chúng tôi ký được các hợp đồng giao hàng vào các siêu thị lớn, nhỏ, điển hình như hệ thống siêu thị Big C miền Bắc”.

Với sức mua của hơn 10 triệu dân thì đây là một thị trường tiêu thụ rất lớn cho các sản phẩm hàng hóa của các tỉnh, thành phố khi đưa về Hà Nội. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ quảng bá, mở rộng giao thương luôn được ngành Công Thương Hà Nội chú trọng đẩy mạnh. Hoạt động này vừa bổ sung nguồn cung hàng hóa cho thị trường Thủ đô, vừa giúp các doanh nghiệp có cơ hội kết nối với khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố như: Tổ chức các tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh tại Hà Nội; tổ chức điểm bán sản phẩm các tỉnh tại các quận nội thành; thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, đơn vị các tỉnh, thành phố tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm các sản phẩm nông sản trên địa bàn. Về phía các tỉnh, thành phố, cần tích cực đồng hành cùng với thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia hoạt động quảng bá, kết nối - tiêu thụ sản phẩm của địa phương trên địa bàn Hà Nội và cả nước.

“Từ quý I đến hết quý II-2022, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia các hoạt động giao thương trực tuyến tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản; hướng dẫn các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết.

Thanh Hiền