Khơi thông để bứt phá

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 17/01/2022

(HNM) - Năm 2021, nhất là 3 tháng cuối năm, Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền theo Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 6-9-2021 của UBND thành phố quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19, giải ngân vốn đầu tư công và vốn xây dựng cơ bản cùng nhiều công việc khác… đạt những kết quả rất tích cực.

Nổi bật là việc các quận, huyện đạt tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản tốt, gồm: Hoàng Mai đạt 100%, Đống Đa (99,9%), Ba Đình (99,8%), Đan Phượng (98,7%)... Đây là kết quả của việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện phân cấp, phân quyền còn có một số vướng mắc, bất cập. Bên cạnh nhiều cơ quan, địa phương mạnh dạn, chủ động thực hiện phân cấp, cũng có nhiều đơn vị chưa mạnh dạn thực hiện. Khi phân cấp, phân quyền, một số cơ quan chưa bảo đảm các điều kiện, nguồn lực cần thiết (về tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính) cho việc tổ chức thực hiện, chưa xác định rõ cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan phân cấp và cơ quan được phân cấp. Đặc biệt là chưa phát huy được sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm...

Để làm tốt hơn việc phân cấp, phân quyền, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND và Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Trong đó, tập trung tháo gỡ những “nút thắt” thể chế để các đơn vị, địa phương được phân cấp, phân quyền làm tốt hơn công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cùng với đó, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cấp trên tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan quản lý trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, phân quyền. Đặc biệt lưu ý nắm bắt các vướng mắc, khó khăn và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định về phân cấp, phân quyền. Trên cơ sở đó hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền.

Trên cơ sở phân cấp, phân quyền triệt để, UBND thành phố, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cũng cần đánh giá, xác định rõ những điều kiện, nguồn lực bảo đảm cần thiết cho việc thực hiện phân cấp, phân quyền; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tài chính, ngân sách nhà nước, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở địa phương… để đáp ứng yêu cầu thực hiện phân cấp, phân quyền.

Người đứng đầu các đơn vị, địa phương được phân cấp, phân quyền cũng cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý để đáp ứng yêu cầu công việc đòi hỏi ngày càng cao, không thụ động, trông chờ, ỷ lại. Cùng với đó là bố trí nhân lực phù hợp để giải quyết kịp thời và hiệu quả công việc, nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, công khai đối với người dân, doanh nghiệp.

Nhìn ở góc độ toàn xã hội, có thể thấy nhiều thành tựu, đột phá ở Thủ đô và cả nước được bắt nguồn từ quá trình phân cấp, phân quyền. Do đó, nếu tiếp tục làm tốt công tác này sẽ giúp các đơn vị, địa phương của Hà Nội khơi thông được nguồn lực, có bứt phá mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đỗ Quỳnh Chi