Vui xuân, đón Tết trong bối cảnh ''bình thường mới''

Xã hội - Ngày đăng : 05:05, 18/01/2022

(HNNN) - Tết Nhâm Dần đã cận kề, đánh dấu gần 2 năm người Việt Nam đối mặt với ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cũng chừng ấy thời gian, người dân bắt đầu làm quen với những thói quen, nếp sinh hoạt trong trạng thái... “bình thường mới”. Trong bối cảnh đó, những phong tục tập quán tốt đẹp, những lời chúc, những trao gửi yêu thương có thể sẽ được thể hiện qua Cách mạng công nghiệp 4.0 và internet nhưng chắc vẫn vẹn nguyên giá trị truyền thống, vẫn đong đầy yêu thương, sự gắn kết của tình thân gia đình.

Mỗi gia đình cần tuân thủ nghiêm các quy định khi du Xuân. Ảnh: Hải Nguyễn

Thay đổi tâm thức đón Tết

Đón Tết Nguyên đán trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, người Việt chuẩn bị cho mình một tâm thế mới. Để hạn chế tiếp xúc mà vẫn đảm bảo một cái Tết đủ đầy, từ rất sớm các doanh nghiệp cung cấp mặt hàng thiết yếu đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cho người dân mua sắm an toàn và đặc biệt khâu kinh doanh thương mại điện tử đang được đẩy mạnh để phòng ngừa tối đa rủi ro do dịch bệnh.

Ở các gian hàng trực tuyến như Lazada, Tiki, Shopee..., người tiêu dùng vẫn có thể có trọn vẹn những trải nghiệm Tết xưa chỉ với một cú nhấp chuột chọn mua các mặt hàng truyền thống như mứt Tết, lá dong, gạo nếp, bánh chưng... Thậm chí, nếu không có thời gian, người tiêu dùng có thể mua sắm tất cả thực phẩm, đồ dùng phục vụ Tết đã được chế biến sẵn.

Đón bắt tâm lý mua quần áo mới để diện Tết, sợ khách đến mua sắm quá đông trong khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, nhiều cửa hàng thời trang kêu gọi khách đặt mua online, sau đó cho nhân viên đem đồ đến tận nhà cho khách thử.

Chị Bùi Thị Liên, chủ cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc cho biết, dù bán hàng kiểu này khá vất vả, nhân viên trở thành shipper xách túi lớn túi nhỏ, nhưng trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa hàng buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp. Đặc biệt, nhân viên của cửa hàng luôn tuân thủ yêu cầu phòng dịch của Bộ Y tế. Tất cả nhân viên phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn với khách. Đặc biệt, quần áo đều được bọc trong túi nilon, xịt khuẩn cẩn thận trước khi đưa tới tay khách...

Dịch Covid-19 cũng khiến thói quen tiêu dùng, mua sắm Tết của nhiều người dần thay đổi. Chị Trương Ngọc Bích, tiểu thương bán hàng tạp hóa, vàng mã tại chợ Đồng Xuân chia sẻ, Tết là thời điểm người dân mua sắm rất đông, đặc biệt là các đồ trang trí nhà cửa. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người có thói quen đi chợ online. Để bắt kịp xu hướng, ngoài bán trực tiếp ở cửa hàng, chị còn bán trên chợ mạng, sàn thương mại điện tử. Hằng ngày, chị chụp ảnh, quay video mẫu sản phẩm rồi đưa lên các hội, nhóm. Nếu khách ưng ý, chị sẽ xin lại thông tin và gửi hàng.

“Hiện nay, việc mua sắm online khá phổ biến bởi đây là hình thức tiện lợi, giúp người mua tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, khách giờ rất tinh và sành, khi mua, họ yêu cầu phải cung cấp hình ảnh, video về sản phẩm thật. Thế nên, làm ăn bát nháo thì sẽ mất khách ngay” - chị Bích chia sẻ.

Dịch bệnh khiến nhiều người thay đổi thói quen. Chị Nguyễn Tuyết Nhung (chung cư Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, tôi quyết định năm nay ở lại Hà Nội ăn Tết để đảm bảo an toàn cho gia đình. Không về quê ăn Tết, không mang được quà Tết về, chúng tôi quyết định biếu Tết qua hình thức chuyển khoản. Hai vợ chồng tôi thống nhất chuyển vào tài khoản ông bà nội, ông bà ngoại một khoản tiền. Đêm giao thừa năm nay, thay vì trao tận tay tiền mừng tuổi, chúng tôi sẽ mừng tuổi theo hình thức chuyển khoản, mọi người trong gia đình, họ hàng đã hẹn nhau một giờ cố định trong ngày đầu năm mới để mừng tuổi qua e-Banking và livestream để tuy ở cách xa nhau nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí Tết như ngày nào”.

Với người Việt, Tết cổ truyền là dịp các thành viên gia đình sum vầy trong không khí đầm ấm. Quanh năm đi làm ăn xa, ai cũng muốn nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc được về quê sum họp, được thăm ông bà, cha mẹ, quê hương và thưởng thức không khí Tết quê đã ăn sâu vào máu thịt. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, không chỉ việc về quê của nhiều người phải dừng lại mà cả truyền thống đi chúc Tết, đi chơi xa, rồi dự các lễ hội đầu xuân cũng bị ảnh hưởng.

Chị Nguyễn Thu Hà (nhân viên Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife) chia sẻ: “Đây chính là thời điểm để chúng ta “chuyển đổi số” trong việc thăm hỏi, chúc Tết nhằm hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp hay tụ tập đông người. Dịch Covid-19 dù có ghê gớm đến mấy cũng không đáng sợ khi mọi người dân cùng hợp tác, tự giác phòng dịch cho bản thân và cộng đồng. Tết sum vầy, niềm mong mỏi ao ước của biết bao người làm ăn xa xứ cũng đành phải nhường chỗ cho sự bình an của mỗi cá nhân và cộng đồng. Chỉ cần mọi người trong gia đình bình an mạnh khỏe, Tết sẽ vẫn vẹn nguyên giá trị của nó”.

Đong đầy truyền thống

Tết Nhâm Dần có lẽ sẽ không đông vui, rộn rã như mọi năm nhưng chắc chắn là một cái Tết đáng nhớ bởi diễn ra trong tình hình đặc biệt và bởi sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân cùng chung tay ngăn chặn dịch bệnh.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Tết là đón chào cái mới, bản sắc của Tết phản ánh tính cộng đồng, sum họp gia đình, dòng họ, xóm làng. Tết còn là hy vọng, là sự mong ngóng vào một năm mới tốt đẹp hơn, sung túc hơn... Với một tâm thế sẵn sàng thay đổi và đón nhận cái mới, người Việt Nam đang chuẩn bị cho mình một cái Tết đầy chủ động và mục tiêu cao nhất chính là sức khỏe của gia đình, cộng đồng và sự bình an của đất nước. Đón chào cái mới, nhìn theo hướng tích cực, người Việt đang mạnh dạn thay đổi thói quen không còn phù hợp và đón một cái Tết trong hoàn cảnh mới. Một cái Tết giản tiện khi mua sắm đủ dùng, cỗ bàn giản dị mà ấm cúng. Một cái Tết “sống chậm” bên người thân, cùng nhau tận hưởng bầu không khí gia đình ấm cúng.

Còn Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng khẳng định: “Tết là di sản văn hóa phi vật thể, luôn được cộng đồng tái sáng tạo, do đó, dù biến đổi đến đâu và bằng hình thức nào đi nữa, các phong tục ngày Tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có bị ảnh hưởng, gián đoạn hay giảm bớt... thì ngày Tết vẫn là ngày đoàn viên, sum họp gia đình, là thời điểm gắn kết giữa con cháu với tổ tiên, với họ hàng, dòng tộc. Hồn của Tết chính là mong ước đón năm mới an khang thịnh vượng hơn năm cũ. Vì thế, giá trị của Tết sẽ không bao giờ mất đi”.

Dịch Covid-19 khiến cả thế giới sống chậm lại, thấu hiểu khát khao về một cuộc sống bình thường, nhưng cũng chính dịch bệnh làm cho người ta nhận ra giá trị của gia đình, các thành viên dành thời gian cho nhau nhiều hơn, nhắc nhở chúng ta phải biết trân quý từng ngày, từng giờ trôi qua, trân quý những gì ta đang có.

Khánh Linh