Nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 18:53, 18/01/2022
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.
Tại điểm cầu thành phố Hà Nội, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cùng lãnh đạo một số sở, ngành thành phố tham dự.
Bộ, ngành, địa phương sẵn sàng triển khai Đề án
Đại diện Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, đã báo cáo việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, mục tiêu tổng thể của đề án phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thành hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Trong đó, với nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong năm 2022, đề án xác định cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (20 dịch vụ thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động...) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ngay trong quý I-2022, hoàn thành việc kết nối, tích hợp hệ thống xác thực, định danh điện tử của Bộ Công an với Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu thuế để giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại thông tin...
"Theo tính toán của Bộ Công an, chỉ cần thực hiện thành công việc triển khai 11/25 thủ tục hành chính thiết yếu lên mức độ 3, mức độ 4 của lực lượng công an nhân dân, đã tiết kiệm được gần 11.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu mở rộng ra thực hiện được ở các cấp, các ngành thì lợi ích mang lại cho xã hội sẽ rất lớn!", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cam kết tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tạo tiền đề, nền tảng để tạo đột phá cho việc triển khai Đề án, gồm: Xây dựng hạ tầng số; nền tảng kỹ thuật phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu; hướng dẫn, điều phối kết nối chia sẻ dữ liệu; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bảo đảm an toàn thông tin mạng. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước (năm 2021 có hơn 180 triệu giao dịch; hằng ngày có khoảng 500 nghìn giao dịch thực hiện thông qua nền tảng này).
Là một trong 3 đại diện khối các tỉnh, thành phố tham luận tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết về kết quả trong triển khai chuyển đổi số thông qua việc cập nhật thông tin dân cư, triển khai cấp căn cước công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời duy trì thường xuyên bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống".
Về triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội xác định việc thực hiện Đề án là một nhiệm vụ trọng tâm cần quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thời gian tới. UBND thành phố đã bố trí đầy đủ nhân lực và vật lực để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của Đề án trong năm 2022 và các năm tiếp theo, bảo đảm đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tháo gỡ một số khó khăn, hỗ trợ địa phương thực hiện...
Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công thiết yếu
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Đề án với các nhiệm vụ trọng tâm chính như: Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án. Nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thông tin vắc xin, xét nghiệm Covid-19, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm tính chính xác của thông tin. Đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục...
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bố trí đủ nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện; ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý, hiệu quả để triển khai Đề án. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật có liên quan trong thời gian sớm nhất để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, tổ chức thực hiện Đề án hiệu quả.
Trước mắt, các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị quyết, nghị định về đầu tư, xây dựng, phát triển, tích hợp, chia sẻ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư, phục vụ quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; về quản lý, thu thập, chia sẻ dữ liệu cá nhân giữa các cơ quan quản lý Nhà nước... để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với việc triển khai quyết liệt, các cấp, các ngành sẽ thực hiện thắng lợi Đề án này, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam.
Hội nghị đã công bố quyết định phê duyệt danh sách và ra mắt Tổ Công tác triển khai Đề án gồm 16 thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm Tổ trưởng.