Xây dựng pháp luật không chỉ để quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương mà còn mở ra cơ hội để phát triển

Chính trị - Ngày đăng : 19:18, 19/01/2022

Ngày 19-1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1-2022. Dự phiên họp còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1-2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược. Ngay sau kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tập trung vào các vấn đề mới phát sinh chưa có quy định, cũng như những vấn đề đã có quy định, song vượt qua thực tiễn, những vướng mắc phát sinh cần bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng thể chế của bộ, ngành mình; việc xây dựng thể chế phải đảm bảo kịp thời, thường xuyên. Cùng với thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện thể chế, cần tổ chức thực hiện các quy định của thể chế hiệu quả.

Tại phiên họp, Chính phủ xem xét cho ý kiến đối với 8 dự án, đề nghị xây dựng luật. Đây là những dự án nằm trong 20 dự án, đề nghị xây dựng luật cần được Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội trước ngày 1-3-2022 nhằm điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Các dự án, đề nghị xây dựng luật được thảo luận tại phiên họp lần này gồm: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông; đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số.

Các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan đã thảo luận, làm rõ thêm sự cần thiết phải có các dự án, đề nghị xây dựng luật này; những điểm nghẽn, bất cập cần giải quyết; tính phù hợp, liên thông, đồng bộ giữa các luật... trên quan điểm ban hành luật không chỉ để quản lý mà tạo hành lang pháp lý để phục vụ, thúc đẩy phát triển...

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các thành viên Chính phủ và các đại biểu đại diện các bộ, ngành tại phiên họp. Các ý kiến tập trung, tâm huyết với mong muốn các luật được xây dựng đảm bảo quy trình, tiến độ và chất lượng.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển của ngành mình. “Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên phải tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế phải “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo” để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ nút thắt, bài toán cuộc sống đặt ra, giảm sách nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với giám sát, kiểm tra; phân bổ nguồn lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hợp lý, hiệu quả cho công tác xây dựng pháp luật.

Cùng với tháo gỡ vướng mắc về chính sách để huy động nguồn lực từ mọi nguồn hợp pháp cho đầu tư phát triển, luật pháp cũng đảm bảo tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tạo ra khung pháp lý, mở ra cơ hội để tập trung cho sự phát triển.

Thủ tướng chỉ rõ, những gì đã "chín", đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng cần có thời gian kiểm chứng thì tổ chức tổng kết, đánh giá, mạnh dạn thí điểm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Tình hình thực tiễn diễn ra rất nhanh, khó lường, khó dự báo, nên khi thiết kế chính sách phải có độ mở nhất định, để khi thực hiện có những phát sinh có thể xử lý được.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn và các đối tượng được điều chỉnh và tác động bởi chính sách để tranh thủ ý kiến, có luận cứ khoa học xây dựng pháp luật; đồng thời tham khảo bài học, quy định pháp luật của các nước trên thế giới để vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, các bộ, ngành, cơ quan phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan thẩm định để chuẩn bị các hồ sơ đảm bảo chất lượng, trình cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, trước, trong và sau khi các luật được xây dựng, ban hành và có hiệu lực cần tổ chức truyền thông tốt để cộng đồng xã hội hiểu, ủng hộ. “Kinh nghiệm cho thấy, muốn đưa ra một chính sách mới, nhất là đối với vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau thì phải tăng cường truyền thông để tranh thủ ý kiến và tìm sự đồng thuận”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo TTXVN